QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Monday, January 15, 2018

Góp ý với Bill Hayton về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19-01-1974




 
Góp ý với Bill Hayton về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19-01-1974

ĐIỆP MỸ LINH
 Inline images 1

Tôi không thích chính trị; vì không thích cho nên tôi không muốn tìm hiểu về chính trị. Nhưng, hôm nay, bất ngờ, được website truclamyentu chuyển đến một bài dịch từ bài viết của ông Bill Hayton, tôi nhận thấy có vài điều tôi muốn viết để góp ý.

Tôi nghĩ, khi đề cập đến một trận chiến – chứ không phải viết lịch sử –  người ta thường nhìn vào tinh thần chiến đấu của người lính tham gia trận chiến đó và phản ứng thức thời, thích nghi của cấp chỉ huy của trận chiến đó. Còn nếu chỉ nhìn cuộc chiến đó bằng kế hoạch hành quân và những “tai nạn” khi khói lửa ngập trời mà không hề đề cập đến tinh thần của binh sĩ thì đó là một cách nhìn thiếu công bằng.

Là tác giả của cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 và cũng là một phụ nữ có chồng là một sĩ quan cao cấp Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa, tôi hiểu rằng: Kế hoạch hoặc phương án hành quân và lệnh hành quân lúc nào cũng được bảo mật; sĩ quan thuộc cấp có thể biết một vài phần nhưng hạ sĩ quan và lính thì không được phép biết.

Vì lẽ đó, những Người Lính V.N.C.H. đã tham chiến trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 năm 1974 – cả Địa Phương Quân lẫn Hải-Quân và Thủy Quân Lục Chiến – khi trở về đất liền được chào đón như những vị anh hùng là hoàn toàn hợp lý; bởi vì, Người Lính chỉ biết tuân lệnh, x thân vào trận chiến vì tinh thần yêu nước, muốn bảo vệ quê hương chứ Người Lính không thể lựa chọn và cũng không cần biết ai phác họa phương án hoặc kế hoạch hành quân; phương án hoặc kế hoạch  hành quân đó tốt hay xấu, có lợi hay bất lợi; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó là một thảm họa hay là một khúc khải hoàn ca!

Cả thế giới đều biết, trận Hải Chiến giữa Hải-Quân V.N.C.H. và Hải-Quân Trung Cộng là một cuộc chiến không cân sức, như là "châu chấu đá xe". Thế mà Hải-Quân V.N.C.H. vẫn chấp nhận chiến đấu để quân cướp Trung Cộng biết rằng Việt-Nam Cộng Hòa là chủ của Hoàng Sa – nghĩa là Hải-Quân V.N.C.H.. cũng như Chính Phủ V.N.C.H. tự "rước" thảm họa (chữ của người nào dịch bài báo của Bill Hayton). Đó là tinh thần dũng cảm của Quân Lực V.N.C.H., tác giả và mọi người – nhất là người Việt-Nam – cần phải ghi nhận một cách trân trọng và nêu cao.

Tôi không hiểu tại sao lại căn cứ vào nhận xét của một người ngoại quốc – mà người ngoại quốc này, Bill Hayton, không tham dự trận chiến Hoàng Sa – để đánh giá một trận chiến do “1/2 nước Việt Nam này” dám ngang nhiên chống Tàu Cộng  cướp đảo, trong khi – cùng thời điểm – “1/2 nước Việt Nam kia” lại tận dụng thời cơ, xua quân thực hiện chiến thuật biển người, do Đại Tướng Cộng Sản Việt-Nam Võ Nguyên Giáp học được từ Trung Cộng, để ào ạt tấn công “1/2 nước Việt-Nam này” bằng vũ khí của chính quân cướp Trung Cộng!

Bill Hayton này là ai mà dám phê phán một cuộc chiến trong lãnh hải của “1/2 nước Việt-Nam này” – miền Nam Việt-Nam? Nhân vật ngoại quốc này không có tư cách gì để bảo rằng những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về được "thêu dệt một cách ly kỳ như huyền thoại" và được "chào đón như những anh hùng"!

Tôi, Điệp Mỹ Linh, đại gia đình tôi và toàn thể người Việt sống dưới vĩ tuyến 17, là công dân Việt-Nam – vào thời điểm Hải-Quân V.N..C.H. chống Tàu Cộng cướp Hoàng Sa – luôn luôn tôn vinh những Người Lính đã tử trận tại Hoàng Sa cũng như những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về là Những Vị Anh Hùng!

Tại sao – cùng thời điểm đó – Bill Hayton không lên án quân cướp Trung Cộng và quân Bắc Việt xâm lăng Nam Việt đã "cõng  rắn” Trung Cộng “cắn gà nhà” Nam Việt-Nam?

Tại sao không ai nghĩ Bill Hayton viết bài đó vì Bill Hayton không có cảm tình với Nam Việt-Nam? Cũng may, Bill Hayton là một nhà báo chứ không phải là một người viết lịch sử.

Người viết lịch sử là một người chỉ trình bày những dữ kiện có thật của lịch sử chứ người viết sử không bao giờ góp lời phê phán hoặc đưa vào những trang sử lời bình phẩm của chính tác giả.

Bởi vì, khi ta nhìn vào bất cứ vật thể gì, hay sự kiện nào, ta cũng chỉ thấy được từ góc cạnh hạn hẹp của đôi mắt và quan niệm của ta chứ ta không thể thấy được tổng thể của vật đó, sự việc đó. Vậy thì không thể cho rằng Bill Hayton "đánh giá một cách khách quan" về trận Hải Chiến Hoàng Sa được!

Từ khi Trung Cộng ngang nhiên xâm lược và xây dựng nhiều đảo nhân tạo trong vùng lãnh hải của nước Việt-Nam "trọn vẹn" – chứ không phải chỉ “1/2 nước Việt-Nam” như năm 1974 – Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt-Nam có dám hé môi hay không? Nhà cầm quyền C.S.V.N. đã hèn với Trung Cộng mà khi sinh viên và người dân Việt-Nam biểu tình chống đối Trung Cộng cướp đảo của Việt-Nam thì Nhà cầm quyền C.S.V.N. lại thẳng tay đàn áp, bắt tất cả bỏ tù!

Xin ông nhà báo Bill Hayton thử "đánh giá một cách khách quan" về thái độ hèn hạ của Nhà cầm quyền Cộng SảnViệt-Nam cũng như người lính của quân đội cụ Hồ đi.

Nhân đây tôi cũng xin nêu lên hai điều trong bài của Bill Hayton:

1-*Bill Hayton viết rằng: “Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng”.
Tôi được biết chính xác:
Ø Hải-Quân Đại Tá Đỗ Kiểm là Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân.
Ø Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên Hải.
Ø Hoàng Sa thuộc hải phận Vùng I Duyên Hải.

Tôi đề nghị Bill Hayton nên liên lạc trực tiếp với Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – nguyên Tư Lệnh Hải-Quân V.N.C.H. Vùng I Duyên Hải – để phối kiểm và được xác nhận, làm sáng tỏ chi tiết này.

2-*Bill Hayton viết rằng: “…chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt…”

Đúng!

Vào thời điểm Hải Chiến Hoàng Sa, Chính Phủ V.N.C.H. với nền kinh tế hầu như bị tê liệt (chữ của Bill Hayton) và Người Lính V.N.C.H. chiến đấu trong điều kiện cạn kiệt vũ khí (chữ của Điệp Mỹ Linh); vì Hoa Kỳ không còn viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt-Nam nữa! Thế mà Chính Quyền V.N.C.H. và Người Lính V.N.C.H. vẫn “…Thù nước lấy máu đào đem báo…” (1) Tư cách như vậy, tác phong như vậy và tinh thần yêu nước như vậy phải được ghi nhận một cách công bằng và trang trọng, thưa ông Bill Hayton!

Bill Hayton chỉ nêu ra những chi tiết tiêu cực như: Chiến Hạm của Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa đụng vào nhau trong chiến trận Hoàng Sa!

Tôi không biết Bill Hayton là công dân nước nào. Nhưng tôi đề nghị Bill Hayton hãy lật những trang sử chiến tranh của đất nước Ông, xem có bao nhiêu “tai nạn” xảy ra khi quân của quê hương ông “đụng trận” với quân nước khác? Ngay như một quân đội tinh nhuệ nhất hành tinh là Quân Đội Hoa Kỳ mà thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin những tai nạn không thể tránh được, khi lâm trận!

Nếu Bill Hayton tìm không được trên sử sách của đất nước Ông về những tai nạn xảy ra trong chiến tranh thì, tôi nghĩ, quân đội của đất nước Ông quả là một quân đội … huyền thoại –  chữ của Bill Hayton!


ĐIỆP MỸ LINH
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Một cái Tết khó quên



 
Một cái Tết khó quên

Phan Đức Minh



Trung Úy Phan Ðức Minh đã lên phiên Sĩ Quan trực nhật được mấy tiếng đồng hồ. Trời tối đen như mực. Trước cổng trại thật im vắng. Lâu lâu mới có 1 chiếc quân xa vụt qua rồi tất cả chỉ còn lại những bóng đèn đường vàng vọt xa xa...

Tiếng điện thoại dã chiến reo vang trong phòng trực. Minh nói với ông Thượng Sĩ già, “Thượng Sĩ nghe coi có chuyện chi vào lúc này!” Ông Thượng Sĩ nói vọng ra phía Minh, “Có điện thoại từ Bộ Chỉ Huy Quân Trấn, muốn gặp Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng hay Sĩ Quan trực.” Minh bắt điện thoại,

-“Trung Úy Phan Ðức Minh, Sĩ Quan trực Tiểu Ðoàn Truyền Tin Quân Ðoàn I, tôi nghe đây!”

Có tiếng nói ở đầu dây bên kia... Minh quả quyết
-“Chúng tôi đã thi hành đúng đắn lệnh của Quân Ðoàn và Bộ Chỉ Huy Quân Trấn. Xin Ðại Tá yên tâm! Cấm trại và ứng chiến 100 phần trăm. Các toán ứng chiến đã đi nhận nhiệm vụ.Toán đóng quân ở chốt Hòa Cường do 1 Thiếu Úy chỉ huy, tinh thần rất tốt. Ðại tá yên tâm đi!... Vâng, xin kính chào Ðại Tá!”

Ông Thượng Sĩ già lo lắng hỏi :
- “Có chi quan trọng không Trung Úy?”
- Bình thường thôi! Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Bộ Chỉ Huy Quân Trấn nhắc nhở anh em mình. Tính ông cẩn thận lắm.

Minh vớ khẩu Colt-45 trên bàn rồi xách đèn pin đi kiểm soát canh phòng. Ðêm nay điểm canh nào cũng gác đôi. Một binh sĩ chặn Minh lại từ xa, hỏi mật khẩu “Quyết Tâm!” Minh đáp lại “Xây Dựng!” Hai binh sĩ cùng nói “Chào Trung Úy!” Minh dặn dò “Anh em cẩn thận tối đa nghe không! Nhất là phía bên kia đường rầy xe lửa.”

Qua khu vực bãi đậu quân xa, Minh thấy anh em canh gác cẩn thận, nghiêm chỉnh. Ðã định quay đi, Minh lại gọi cậu lính trẻ tới dặn “Anh em cẩn thận coi chừng phia bên kia hàng rào kẽm gai, cánh đồng hướng ra đài khí tượng và trại gia đình binh sĩ!” Nói xong, theo thói quen, Minh vỗ vai cậu binh sĩ rồi đi về phiá đồn canh. Minh xuất thân là binh nhì, không theo học Trường Sĩ Quan nào cả nhưng vì tinh thần và khả năng làm việc, trình độ học vấn, anh lên cấp rất mau, bỏ băng nhiều cấp bậc so với những trường hợp bình thường. Ngày xưa đi kháng chiến chống Pháp hơn 6 năm, bị Tây bắt, giam lên giam xuống. Lần sau chót, khi được tha khỏi trại giam Nhà máy Rượu Nam Ðịnh, anh quyết định ở lại thành phố dù rằng ở lại thành phố lúc ấy chưa chắc đã là con đường tốt nhất. Tuy nhiên, giữa hai cái xấu, mình phải chọn cái nào ít xấu hơn.

Ðược động viên gọi đi học khóa Sĩ Quan trừ bị đầu tiên tại Thủ Ðức, anh không đi, nhưng tình nguyện nhập ngũ với tư cách binh nhì, vào Ðại Ðội 3 Truyền Tin Việt Nam, lúc đó còn do Sĩ Quan người Pháp chỉ huy và đang chuyển dần sang cho Sĩ Quan Việt Nam. Mới ba tháng sau, Ðại Úy Miraucourt, Ðại Ðội Trưởng, gắn lon Hạ Sĩ (Caporal) cho anh tại sân cờ đơn vị. Chỉ 16 ngày sau, cũng tại sân cờ này, trước hàng quân, Ðại Úy Miraucourt long trọng đọc quyết định thăng cấp đặc biệt của Tướng Tư Lệnh Ðệ Tam Quân Khu, có hiệu lực hồi tố (retroactive effect) rồi gắn lon Trung Sĩ (Sergent ) cho anh. Cả đơn vị, anh em ai nấy đều ngạc nhiên vì từ ngày thành lập, đây là lần đầu tiên trong đơn vị chuyên môn, không tác chiến, một binh sĩ dược thăng cấp quá mau, mang lon Hạ Sĩ rồi Trung Sĩ chỉ trong vòng 3 tháng nhập ngũ và có hiệu lực cùng 1 ngày, bỏ băng hàng Binh Nhất, Hạ Sĩ, Hạ Sĩ Nhất. Sau này anh còn bỏ băng thêm những cấp bậc khác nữa. Anh luôn được giao phó chức vụ cao hơn cấp bậc thực sự của mình cho nên khi anh đã lên Thiếu Tá, giữ chức vụ Phó Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I thì bạn bè cùng nhập ngũ với anh, gặp lại nhau, họ vẫn còn ở cấp Thượng Sĩ hay cao lắm là Chuẩn Úy. Minh luôn luôn sống gần gũi và thương mến anh em. Có lẽ đã từng là binh sĩ cho nên anh hiểu họ nhiều hơn và họ cũng thương mến anh hơn.

Bước vào đồn canh, Minh giơ tay chào lại anh em khi Trung Sĩ Nhất đồn trưởng hô Phắc! để tất cả anh em đứng lên, chào vị Sĩ Quan chỉ huy của mình. Sau khi xem xét, Minh dặn Hạ Sĩ Quan đồn trưởng “Không một ai được phép ra khỏi cổng trại đêm nay, dù là đêm 30 Tết, nếu không có Sự Vụ Lệnh do Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng hay Tôi ký. Nếu gặp khó khăn (ý Minh muốn nói: nếu có các Sĩ Quan khác tự ý lái xe Jeep ra khỏi cổng), cứ gọi điện thoại cho tôi giải quyết!” Giống hệt Thiếu Tá Nguyễn Hữu Viên, Tiểu Ðoàn Trưởng, xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Minh thích: làm việc là làm việc hết mình, khi chơi là chơi xả láng, thứ nào ra thứ đó, không có lộn xộn...

Chỉ còn nửa tiếng đồng hồ nữa là sang năm mới. Ðúng 12 giờ đêm 30 Tết, đón chào năm mới Mậu Thân. Pháo nổ tưng bừng. Chiêng trống vang lên khắp nơi. Lính tráng đâu đó đem súng ra bắn chơi cho vui. Riêng đơn vị anh, không một quân nhân nào được phép làm như vậy. Pháo nổ hoài mà súng cũng nổ hoài. Thế là cái gì? Minh chạy như bay vào phòng trực, đích thân nhấn còi hụ báo động. Tất cả mọi quân nhân trong trại ào ra các hố cá nhân, giao thông hào chung quanh trại trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các Sĩ Quan đi kiểm soát khu vực trách nhiệm của mình. Những ánh đèn pin xanh lè, loáng thoáng đó đây... Tin từ Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn và đài phát thanh cho hay: Việt Cộng đang từ ngả Ðò Xu đánh vào doanh trại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn. Một cánh quân khác đang tấn công vào Bộ Chỉ Huy Quân Trấn.

Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng điện thoại cho Minh, dặn dò rồi cho biết: Việt Cộng đang mở cuộc tổng tấn công vào thủ đô Sài Gòn cũng như hầu hết các thành phố quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Việt Cộng đã chiếm và kiểm soát một khu vực thành phố Huế. Tại Ðà Nẵng, Việt Cộng từ hướng Ðò Xu đánh vào Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, nhưng không gây được áp lực mạnh mẽ. Phía Bộ Chỉ Huy Quân Trấn, Việt Cộng từ phía Ty Ngân Khố, đánh sang, do lực lượng đặc công chủ động. Các mũi tấn công từ ngoại vi thành phố đã bị lực lượng Thiết Giáp và Biệt Ðộng Quân của ta chặn đánh. Tin từ Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn cho hay: Lực lượng tấn công của địch đã bị quân ta chặn đánh ngay từ vòng đai bên ngoài cho nên số quân lọt được vào doanh trại Bộ Tư Lệnh rất yếu ớt và bị đánh bật ra ngay...

Minh cùng đơn vị đã thức suốt đêm. Ðơn vị anh rất kỷ luật, quân số cấm trại ứng chiến luôn luôn đủ 100 phần trăm. Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng rất thông cảm với binh sĩ cho nên những lúc cấm trại, ông luôn sống sát với anh em, chia sẻ vui buồn với mọi người. Ban ngày, bình yên, ông cho phép anh em thay phiên 50 % quân số về thăm gia đình. Tối đến, giờ điểm danh bắt buộc đông đủ 100%. Ông lo lắng đến đời sống tinh thần, vật chất, giải trí cho mọi quân nhân trong đơn vị, giúp đỡ gia đình binh sĩ trong những hoàn cảnh khó khăn. Vấn đề thưởng phạt công minh. Hầu hết mọi người trong đơn vị đều thương mến và dành cho ông một lòng kính phục. Tháng 6 - 1968, sau vụ Tết Mậu Thân ít lâu, Thiếu Tá Viên từ trần tại Tổng Y Viện Duy Tân, Ðà Nẵng vì bệnh tai biến mạch máu não. Khi tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều anh em đã khóc thật sự, trong đó có Trung Úy Phan Ðức Minh, người từng mang ơn Quân Ðội, mang ơn Thiếu Tá Viên là người đã cho anh những bài học quý giá, những gương sáng về nghệ thuật chỉ huy. Lúc hạ huyệt, Minh cầm một hòn đất thả xuống nắp quan tài, xong đứng thẳng người, chào Thiếu Tá Viên một lần cuối rồi bỗng nhiên hai tay ôm lấy mặt... Anh bước vội ra chiếc xe Jeep đậu gần đó. Cậu Hạ Sĩ tài xế thấy thế cũng hai tay ôm lấy mặt, gục đầu xuống, hai vai rung lên trong sự nghẹn ngào... Tình thương yêu Huynh Ðệ Chi Binh trong Quân Ðội ta là thế đấy!

Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, Minh nhận được tin quân sự chính thức: Lực lượng vũ trang cộng sản đánh vào thành phố Ðà Nẵng đã hoàn toàn bị đẩy lui. Phía Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, Việt Cộng coi như hoàn toàn thất bại, phải tháo chạy trở lại phía Ðò Xu, rút về ngả Vĩnh Ðiện, Hội An. Một phần lực lượng địa phương của Tỉnh Ðội Quảng Nam-Ðà Nẵng bị kẹt, phải chạy qua ngả Hòa Cường. Ở đây, chúng đụng phải một đơn vị bộ binh Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và Tiểu đội ứng chiến của Tiểu Ðoàn Truyền Tin Quân Ðoàn I. Minh nhận được báo cáo vô tuyến của Thiếu Úy Thạch, Sĩ Quan chỉ huy toán ứng chiến: Có 1 binh sĩ bị thương nặng, cần được di tản ngay vào Tổng Y Viện Duy Tân. Với tư cách Sĩ Quan trực, Minh cho toán cấp cứu nhẩy ngay lên xe Dodge 4 x 4 đi liền, sau khi ra lệnh “Tất cả: lên đạn! Trừ tài xế, còn tất cả súng cầm tay, sẵn sàng phản ứng ngay tức khắc!”

Một lúc sau, toán cấp cứu trở về. Toán trưởng báo cáo: “Thưa Trung Úy! Binh nhất Thắng bị đạn AK thủng bụng, đã đưa vào Tổng Y Viện Duy Tân, phòng cấp cứu!” Thì ra: Một toán Việt Cộng bị đánh bật ra khỏi khu vực Quân Ðoàn, chạy ngược về hướng Ðò Xu, bị đụng Biệt Ðộng Quân. Thế là tụi nó chạy dạt sang phía Hòa Cường, phía có toán ứng chiến của Thiếu Úy Thạch. Vì không phải là đơn vị tác chiến thật sự nên Thiếu Úy Thạch cho quân nằm tại chỗ, chỉ nổ súng khi địch lọt vào khu vực trách nhiệm, không tấn công hay truy kích địch trong khu vực trách nhiệm của các đơn vị bạn. Từ xa, Binh Nhất Thắng thấy thằng Việt Cộng chạy sau cùng bị thương ở chân, chạy không kịp đồng bọn. Thắng thấy thèm khẩu AK của nó quá nên dầu là lính truyền tin, nó cũng xách khẩu Carbin M-2 nhẩy lên khỏi hố cá nhân, rượt theo tên Việt Cộng bị thương. Thiếu Úy Thạch quát lên, nhưng nó không còn nghe thấy gì nữa, nó phóng theo, ria 1 băng. Thằng Việt Cộng té nhào.. Ðồng bọn của nó thấy chỉ có 1 người đuổi theo cho nên 1 thằng khác cố quay lại đáp lễ cho Thắng 1 băng AK. Thắng quỵ xuống, nhưng vẫn còn trông rõ bọn chúng quay lại xốc thằng bị thương đem đi, lượm luôn khẩu AK dưới đất và biến sau lùm cây kế đó...

Ngày Mồng 2 Tết Mậu Thân... Việt Cộng chiếm đóng và kiểm soát phần quan trọng của thành phố Huế. Một số Sĩ Quan cùng bị bắt với nhân viên chính quyền khi có mặt tại gia đình trong đêm 30 Tết, trong đó có vài người bạn thân của Minh. Anh chép miệng, “Nếu chúng nó cứ nằm trong đơn vị với anh em thì đâu đến nỗi! Ngày Tết ai chẳng muốn về đón Giao Thừa với gia đình, nhưng quân đội cần mình làm gương cho binh sĩ, tại sao mình không làm?”

Minh đã hết nhiệm vụ Sĩ Quan Trực từ chiều Mồng Một Tết. Sĩ Quan Trực ngày Mồng 2 là Sĩ Quan Trung Ðội Trưởng vô tuyến. Vì nhu cầu hành quân của Quân Ðoàn, Sĩ Quan này phải dẫn 1 toán chuyên viên với máy móc lên xe đi ngay. Khi trình ký Sự Vụ Lệnh, Thiếu Tá Viên hỏi Minh: “Trung Úy Phúc đang là sĩ quan trực, đã có ai thay nó chưa?” Ngày Tết mà dính mấy cái vụ này thật là kẹt! Muốn lẹt xẹt đây đó trong hay ngoài đơn vị một tí, dù là ban ngày, cũng chịu chết! Thiếu Tá Viên đùa dai với Minh “Cậu làm Sĩ Quan Trực ngày Mồng Một rồi, nay làm luôn ngày Mồng 2 được không?” Minh đáp “Nếu Thiếu Tá và đơn vị cần thì tôi làm liền!” Thiếu tá Viên vui vẻ “Ờ thôi, Cậu làm luôn đi! Mai mốt rảnh rang, muốn nghỉ ngơi, Moa cho Cậu thoải mái!” Thế là Minh lại lên Phòng Trực nhận bàn giao. Minh vừa nhấc điện thoại kiểm soát các điểm canh phòng thì Hạ Sĩ Quan trực báo cáo “Thưa Trung úy, có báo cáo vô tuyến từ toán ứng chiến Hòa Cường!” Minh nghe vô tuyến rồi ra lệnh “Giữ chúng nó cẩn thận, sẽ có người tới đem về Tiểu Ðoàn!” Thì ra toán Việt Cộng bị rượt đuổi hôm qua, chui rúc đâu đó, sang Mồng 2, bị Quân Ðội ta lục soát kỹ quá nên đành chạy qua ngả Hòa Cường, nhào vào khu vực của Tiểu Ðội truyền tin đóng chốt. Chúng nó vừa chạy vừa bắn xối xả vào các mục tiêu nghi ngờ phía trước. Tiểu dội truyền tin nổ súng. Một tên té nhào. Toán Việt Cộng xả đạn như mưa vào Tiểu Ðội truyền tin rồi chạy dạt sang phía khác. Chúng nó cần súng đạn hơn là cần người của nó nên chúng bắn phủ lên Toán truyền tin rồi nhào vô lượm khẩu AK chạy đi, bỏ thằng bị thương nằm lại. Thằng Việt Cộng cầm 2 khẩu AK lúng túng nên tụt lại phía sau. Nó lãnh luôn 1 băng Carbin M-2, chạy được vài bước thí quỵ xuống, nhưng nó vẫn cố quăng 2 khẩu AK cho đồng bọn mang đi rồi mới chịu nằm yên tại chỗ. Toán truyền tin bắt được 2 tù binh nhưng tiếc là không lấy được khẩu AK nào. Tụi Việt Cộng trở về đơn vị mà mất súng thì chỉ có nước bị chôn sống hay bắn bỏ. Chúng nó cần súng đạn chớ đâu có cần sinh mạng con người, dù là con người của chúng nó.

Chiếc xe Dodge 4 x 4 đậu trước cửa Phòng Trực. Minh ra lệnh “Dẫn 2 anh đó vào trong này! Gọi y tá chăm sóc cho họ. Họ bị bắt rồi. Mình phải đối xử tử tế!” Hai tên Việt Cộng nhìn Minh với vẻ sợ sệt. Minh cởi dây nịt, đưa khẩu súng Colt-45 cho 1 binh sĩ phía sau cầm để chúng nó đỡ sợ. Hai tên Việt Cộng còn trẻ măng, nói tiếng Quảng Nam. Minh hỏi họ “Các anh có phải là bộ đội chủ lực của Tỉnh không?” Chúng gật đầu. Minh bảo họ “Các anh cứ yên tâm. Các anh bị bắt rồi. Chúng tôi không làm gì các anh cả. Lát nữa sẽ có người đưa các anh tới cơ quan có trách nhiệm. À, mà các anh có đói không?” Hai tên Việt Cộng mắt sáng lên. Minh bảo Hạ Sĩ Quan trực xuống Câu Lạc Bộ nói đem lên đây 2 tô bún và 2 ổ bánh mì. Trông 2 tên Việt Cộng ăn uống ngon lành, Minh nói với họ “Cách đây nhiều năm, tôi cũng đã từng chiến đấu như các anh. Các anh còn trẻ quá! Một ngày nào đó, các anh cũng sẽ nhận ra bộ mặt thật của cuộc chiến đấu này, giống như tôi cách đây nhiều năm về trước.” Cả hai ngước mắt nhìn anh chậm chạp rồi cúi gầm mặt xuống. Ăn xong, hai tên Việt Cộng tỉnh táo hẳn lên, chứng tỏ rằng họ đã bị đói có thể từ hôm trước. Minh hỏi cậu binh sĩ đứng bên cạnh “Có bật lửa không? Lấy bao thuốc lá trên bàn kia, đưa cho các anh ấy hút một điếu đỡ lạnh. Trời đất ngày Tết lạnh hơi nhiều!” Bất chợt, Minh nhìn xuống bộ quân phục của mình: một cái áo “Field Jacket” cổ bọc lông thú nhân tạo, hai bông mai vàng gắn trên cái nền bằng nhung mầu hạt dẻ, cài trên ngực áo, giầy cao cổ, đầu đội mũ, đeo bao tay da mà còn thấy lạnh, Vậy mà hai thanh niên kia còn quá trẻ, đói khát cả ngày, bị thương, mỗi người 1 cái quần đùi và cái áo vải đen mỏng dính, sát vào người, lại bị rách vài ba chỗ hở cả da, cả thịt... Ai cũng là người cả, dù họ là 2 tên Việt Cộng bị bắt làm tù binh...

Chiếc xe Dodge lăn bánh, chở toán lính vũ trang, đem 2 tên tù binh Việt Cộng giao cho Ðặc Khu Ðà Nẵng. Minh nhìn theo, buông 1 tiếng thở dài... Tin tức quân sự cho hay: cuộc tổng tấn công của Việt Cộng trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã bị đánh bại hoàn toàn. Ðịch chỉ còn chiếm giữ và kiểm soát khu vực Thành Nội của Cố Ðô Huế. Một lúc nào đó, bọn Việt Cộng rồi cũng phải bỏ chạy khỏi nơi này. Số phận của các quân nhân, nhất là Sĩ Quan, nhân viên chính quyền, Ðảng phái chính trị, nhân dân bị chúng coi là phản động đang trong gọng kìm kiểm soát của chúng nó rồi sẽ ra sao?

Khi lực lượng Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân, rảnh tay ở các chiến trường đã thanh toán xong, cùng đổ về đây thì bọn Việt Cộng chịu chi cho nổi. Chúng nó trên đường tháo chạy, đã lùa theo hàng ngàn người thuộc loại kể trên, trói lại từng xâu rồi cho lệnh bắn hàng loạt. Tiếc đạn quá, chúng nó cho lệnh giết bằng mã tấu, lưỡi lê, dao găm. Cứ thế mà chém ngang cần cổ, cứ lụi vào lưng. Không chết cũng đạp xuống những cái hố chôn tập thể đã được dân quân, du kích và dân công địa phương đào sẵn khi chúng thấy tình hình giữ Huế không còn nổi nữa. Phát xít Ðức tàn sát người Do Thái, giết các quân nhân Ba Lan bằng phòng hơi ngạt, bằng lò thiêu tập thể, hồi Thế Chiến thứ 2 đâu có ghê gớm, kinh khủng bằng lối giết người của Việt Cộng ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân!

Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng oanh liệt trên khắp 4 Vùng chiến thuật, cũng như tại thủ đô Sài Gòn.

Phan Đức Minh
San Diego, California
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List