QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Saturday, June 29, 2013

Dép râu, ngày về


 


From: Minh Pham

 

Xin chuyn đ quý hu đc li "Dép râu, ngày v" - Nguyn Bá Chi.






Dép râu, ngày về



Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, hắn “được Cách Mạng khoan hồng nhân đạo tập trung để bảo vệ tính mạng cho, vì nếu để ở ngoài sẽ bị nhân dân trả thù”.
 
Huyện Củng Sơn thuộc tỉnh Tuy Hòa là vùng hoạt động của “Cách Mạng” trước 75. Lúc mới “nhập môn” giữa vùng rừng núi này, mỗi lần đi ra ngoài “học tập lao động để sau này trở về không còn bóc lột như thời Mỹ Ngụy nữa, mà biết tự mình làm ra của cải vật chất hầu nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội”, hắn nơm nớp sợ đồng bào địa phương có tiếng là dân Cách Mạng, sẽ trả thù (thù gì thì hắn không biết), nếu họ bắt gặp và nhận ra hắn là “ngụy quân”.

Một hôm, trên đường đi “lao động là vinh quang” ngang qua khu chợ, có mấy người dân chạy theo đoàn tù binh. Hắn lo lo; đang lúc chuẩn bị tinh thần chịu trận “nhân dân trả thù” thì có người dí vào túi áo hắn gói thuốc lá Sông Cầu. Đó là một nhân dân hoàn toàn xa lạ. Hắn sững sờ, chưa kịp nói lời cảm ơn thì người đàn bà ân nhân đã lách vội vào đám đông như tìm đường chạy trốn. Từ đó về sau, nhiều người trong đám tù và hắn lâu lâu lại được “nhân dân trả thù” như thế; khi cục đường mía, lúc miếng kẹo lạc.

Lại một hôm, đám tù được thả lỏng phân tán mạnh ai nấy tự đi tìm... cỏ tranh để cắt (về lợp nhà). Hắn được một phụ nữ quần áo vá đùm vá đụp mặt hốc hác, chạy đến trước mặt, mắt dáo dác ngó trước ngó sau một vòng rồi dí vào tay cho cái bánh ú làm bằng bột củ sắn mì với nhân hột mít. Chị ta nói “Anh ăn cho đỡ đói. Bây giờ chúng tôi mới hiểu ra..., và thương các anh quá”.

Không thấy “Nhân dân trả thù” mà chỉ gặp nhân dân “Thương các anh quá”, nhưng Cách Mạng vẫn nhất quyết tiếp tục “Bảo vệ tính mạng cho Ngụy quân ngụy quyền, những kẻ có tội với nhân dân mà lấy hết trúc Trường Sơn làm bút, lấy sạch nước Biển Đồng làm mực cũng tả không xiết”. Tháng lại tháng. Năm qua năm. Đêm đêm nằm nêm cối đến ngộp thở trong những dãy nhà được bao bọc bởi nhiều lớp kẽm gai xen kẽ lớp xương rồng rồi lớp mìn bẫy, lớp hầm chông.
 
Ngày ngày đi ra ngoài làm đủ thứ công việc của người tù khổ sai. Khi đi lẫn lúc về, đoàn tù binh phải dừng lại nơi cổng ra vào để lính gác đếm. Đi, đếm rất mau; về, vừa đếm vừa khám xét khắp người tù xem có lận theo trong túi áo thắt lưng con cóc con nhái, con rắn con rít, hay cọng rau nạm cỏ (Như cỏ sam heo ăn được là tù ăn được)... gọi chung là những thứ “Cải thiện linh tinh” bị cấm ngặt, nên trong khi chờ đợi, cứ phải ứa gan với cái bảng đỏ to tổ chảng trước mặt treo vắt ngang giữa hai cái lô cốt chằm chằm hai bên cửa ra vào, có hàng chữ màu vàng khè “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” phía trên hàng chữ “Trại Cải Tạo A30”. Mỗi lần như thế, hắn lại hình dung ra cảnh tú bà cho treo trước cửa nhà chứa của mụ, cái băng trắng chữ đỏ “Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng”.

“Ngày như lá tháng như mây”, chỉ là với thế giới bên ngoài. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Hắn thường bày tỏ rằng, nhờ Ơn Trên phù hộ hắn mới qua khỏi hơn 2500 cái “thiên thu tại ngoại”, để có ngày được “Cách mạng khoan hồng” cấp cho tờ “Giấy Ra trại”.
 
Trên đường về với gia đình tận vùng Cao Nguyên, hắn phải ghé lại Nha Trang để chờ mua vé xe cho chặng đường cuối. Hắn đi lang thang để nhìn lại cảnh cũ người xưa nơi thành phố mà hắn đã qua nhiều thời kỳ gắn bó. Thuở nhỏ “du học”; lớn đi thi Tú Tài; mấy tháng học Không Trợ tại Trường Không Quân, và những lần “quá cảnh” trên đường đi đi về vê. Người thiếu nữ đầu tiên đi qua đời hắn cũng từ bãi thùy dương cát trắng này. Nha Trang đã là một phần đời hắn.

Hắn đi ngang quầy bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Hoàng. Bỗng dưng hắn nhớ và thèm một điếu thuốc CAPSTAN ngày nào. Sau khi tính nhẩm và chắc chắn số tiền Trại cải tạo cấp cho theo tiêu chuẩn nhà nước làm “của ăn đi đường” còn đủ để mua được hai điếu thuốc lá Song Long (hắn biết giá thuốc vì Trại thỉnh thoảng có mua giùm cho những ai có tiền cần mua), hắn mạnh bạo tiến đến phía quầy bán thuốc. Đã gần bảy năm, nay hắn mới được thấy lại nụ cười chào khách của những người bán thuốc lá bên đường mà trước kia hắn thường gặp. Hắn hân hoan như vừa tìm lại được một điều gì quý hóa đã mất từ lâu lắm.
 
Nhưng bỗng dưng hắn chưng hửng khi thấy mặt cô gái bỗng nhiên tối sầm lại và tỏ vẻ dửng dưng với khách. Hắn ngạc nhiên trước thái độ thay đổi đột ngột của cô gái. Hắn kiểm điểm lại mình, và đinh ninh mình không hề có cử chỉ khiếm nhã nào hay nói năng gì khác ngoài lời hỏi mua thuốc lá. Hắn sực nhớ lúc nãy cô gái có liếc mắt xuống đôi chân hắn. Hắn chợt thoáng “lý đoán” ra nguyên nhân. Nhìn thẳng vào mặt cô bán thuốc, với vẻ nghiêm trang, hắn nói :

“Anh vừa từ trại Cải tạo ra, đang trên đường về, nên đành phải mang đôi dép này.”

Khi hắn vừa mới nói đến “Anh vừa từ trại cải tạo ra”, cặp mắt cô gái sáng lên và đôi má cô ửng hồng, nhếch lên để lộ ra cái núm đồng tiền. Hình như cô muốn nói điều gì mà không cất lên được. Cô luống cuống lấy trong hộc ra gói thuốc Hoa Mai còn nguyên rồi bằng hai tay đưa lên sát ngực hắn, với ánh mắt thương cảm trìu mến :

“Anh cầm lấy, em biếu anh. Rất tiếc không còn thuốc trước 75.”

Hắn đã bỏ hút thuốc từ lâu, nhưng vẫn nhớ mãi gói thuốc của ba mươi năm về trước. Mỗi tháng Tư về, hắn lại càng thấy món nợ hắn mắc mỗi to hơn. Không phải nợ cái gói thuốc lá cô gái biếu. Nhưng là nợ chính cuộc đời cô mà hắn đã không bảo vệ được. Để ít ra cô khỏi phải nhìn thấy những đôi dép Tháng Tư.


Nguyễn Bá Chổi

 





 


 
MhImage

 

 

Friday, June 28, 2013

Cái lạnh ngoài trại tù Yên Bái


Cái lạnh ngoài trại tù Yên Bái

 

(Trích trong Hồi ký Cuộc Đời Đổi Thay)


Kiếp sống là một chuỗi dài sầu tủi,

Vui là bao, chỉ luống những ưu phiền !

Nguyễn Minh Châu



Hôm nay chúng ta đã ở vào giữa mùa Đông và chúng ta đang sống cuộc đời tỵ nạn nơi xứ văn minh tiến bộ. Gia đình con cháu chúng mình được ăn uống đầy đủ, nhà ở rất tiện nghi, được trang bị đầy đủ máy nước nóng, lò sưỡi ấm mùa đông và máy điều hoà cho mùa hè v v…Chúng ta không bị đói lạnh thân xác, nhưng tâm hồn ta luôn lạnh lùng vì nỗi nhớ quê nhà, xa quê cha đất tổ. Chúng ta luôn mong đợi ngày về quê hương trong cảnh thanh bình và được tự do dân chủ.


Mỗi độ Đông về nơi xứ người, trời mây mù ảm đạm và có nhiều mưa buồn lắm ! làm cho người lính già hay ngồi ôn nhớ lại những kỷ niệm dĩ vãng của thời chinh chiến khó quên. Nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975, bị chấm dứt nửa chừng xuân cuộc đời binh nghiệp trong sự nhục nhã và uất hận, để rồi chúng ta bị đày đọa trong các trại tù lao động khổ sai.


Những ai đã từng bị đày trong các trại tù miền Bắc chắc vẫn còn nhớ tới những ngày mùa Đông lạnh xé da cắt thịt của vùng núi rừng hoang vu miền Yên Bái, Bắc Việt .



Cảnh trời mùa đông Yên Bái thật buồn não nề !.


Tất cả các trại tù miền Bắc đều được xây cất giống nhau một kiểu mẫu như hình trên đây. Mấy dãy nhà trong trại nơi tôi ở nằm trên hai ngọn đồi thoai thoải. Trên ngọn đồi lớn là mấy dãy nhà của những người có sức khoẻ lao động nặng như vác cây rừng và cây bồ đề, vác chỏm là một loại tre rừng nhưng bọng ruột, cày cuốc để canh tác, gánh phân tưới rau và chăn trâu bò vv…Trên ngọn đồi nhỏ bên cạnh là một dảy nhà dành cho những người tù bị tàn phế, già cả hoặc bịnh hoan yếu sức làm việc nhẹ như trồng rau, đập tre, chẻ tre và đan lác .


Chung quanh trại của chúng tôi là núi non trùng trùng điệp điệp với nhiều cây rừng một màu xanh biếc. Lúc mùa đông các dãy núi thường bị mây mù hay sương mờ che phủ nhìn thật là buồn ảm đạm. Dưới chân đồi là con suối nước chảy quanh năm là nơi anh em tù chúng tôi tắm rửa và giặt giũ.


Thật ra cái lạnh nơi xứ mình đâu bằng tiết lạnh bên xứ nầy, nhưng vì hoàn cảnh của tù cải tạo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và phải làm lao động khổ sai, nơi ở lại là những dảy nhà mái tranh, vách làm bằng những tấm phên đang bằng tre không kín đáo, nên mùa đông trong các trại tù ở vùng núi rừng ngoài Yên Bái Bắc Việt thật là hãi hùng đối với anh em tù chúng mình.


Tôi còn nhớ lúc mùa Đông lạnh lẽo mà anh em tù chỉ được bọn bộ đội cộng sản phát thêm một cái mền đỏ của Trung cộng nó mỏng te. Đêm đêm gió lạnh cắt da thổi xuyên qua vách phên tre và mái tranh, nên đêm ngủ anh em tù trùm mền từ đầu đến chân và nằm một hàng đỏ lòm trên hai sạp tre đối diện nhau, được soi sáng bởi ánh lửa củi rừng chiếu mập mờ, trông giống như hai hàng thây ma trông cũng dễ sợ và buồn não nề ! Khổ nỗi là chúng tôi phải nằm im không dám cựa quậy, vì mỗi lần cựa quậy là hơi lạnh lọt vào lạnh thấu xương.


Mỗi tuần chúng tôi chỉ dám tắm suối có một lần trưa ngày chủ nhựt nếu nắng ráo và nếu được nghỉ lao động. Nhiều người không can đảm tắm vì sợ cái lạnh của nước suối không khác chi nước đá lạnh gần không độ. Nằm gần bên tôi có người bạn là Trung tá BĐQ, ông ấy sợ lạnh lắm. Ông ấy đã qua đời sau khi được về với gia đình, vì không muốn gợi nỗi buồn của người quá cố nên tôi không tiện nêu tên ra ông ấy ra. Suốt mấy tháng mùa Đông ông không bao giờ tắm, ông luôn luôn mặc sáu lớp quần áo mà không bao giờ dám cởi lớp thứ ba từ trong người đếm ra, để giặc giũ. Quý vị hãy tưởng tượng mỗi ngày lao động nặng thì bao nhiêu mồ hôi thấm rút vào quần áo nó hôi đến cỡ nào? Nhưng ăn ngủ và sống chung nhau lâu ngày mình cũng quen cái mùi khó chịu đó đi. Chính mình cũng chẳng sạch sẽ gì lắm, chỉ ít hôi hơn thôi. Cho nên người ta hay nói ở dơ như tù là vậy đó.


Miền rừng núi có vẻ đẹp thiên nhiên và rất thơ mộng của miền sơn cước nếu trời trong mây tạnh và nhứt là vào những đêm trời sáng trăng. Nhưng mùa mưa phùn nơi miền núi rừng ngoài Yên Bái cũng rất dễ sợ, chẳng đẹp đẽ và thơ mộng như các nhà văn hay thi sĩ thường hay tả cảnh đẹp nên thơ của mưa phùn Đalat hay Pleiku mù sương đâu. Hạt mưa phùn ngoài ấy rất nhỏ phải nhìn qua rặng núi xanh mới thấy mưa rơi. Nhưng lao động ngoài trời vài giờ là nước thấm ướt cả quần áo. Trời mưa ban ngày, mưa cả ban đêm và mưa triền miên suốt tháng trời, gọi là mưa thúi đất vì đất phải nổi sình và lầy lội. Đêm về những tiếng ếch nhái và ểnh uơng cất tiếng kêu vang như ai khóc than và rên siết trong cảnh rừng âm u và tĩnh mịch làm cho người tù buồn não nề ! Chân tôi đi khập khểnh nên thường hay bị té, mà mỗi lần té là phải thay đồ và giặt quần áo khổ lắm.

Có rất nhiều anh em đồng đội bị chết vì nhiều nguyên do như chịu không nổi cái lạnh, cái đói hoặc bịnh hoạn mà không có thuốc chữa trị. Có những bà vợ đi ngàn dậm ra Bắc tìm thăm chồng và khi ra tới nơi mới hay chồng đã chết vì bọn cộng sản không cho thông báo tin về cho gia đình. Các người tù bất hạnh đó đã bị chôn vùi trên những ngọn đồi hoang vu hiu quạnh. Tôi xin ghi vài dòng thơ thuật lại câu chuyện rất thương tâm của một bà vợ ra thăm chồng ngoài đất Bắc. Khi ra đến trại bà mới được tin là chồng bà đã chết, bà chỉ còn thấy nấm mộ của chồng nằm trên triền núi lạnh căm, do anh em tù cải tạo chỉ báo.



Cắt Tóc Đắp Mộ Chồng


Xót thương ai đắp mộ chồng

Tóc xanh em cắt đắp mồ người yêu

Âm dương hai ngả anh ơi

Chôn anh đất Bắc, em về miền Nam

Ngày xưa lội khắp bốn vùng

Nhọc-nhằn gian khổ, cũng về thăm con

Hy sinh giữ nước giữ bờ

Bây giờ lao lý, xương tan chốn nầy

Nghĩ suy thật quá đau lòng

Anh ơi giờ đã bỏ em thật rồi

Từ đây trở giấc canh khuya

Thèm hơi anh ướm, thiếu chăn tình nồng

Một mình một bóng lẻ loi

Lòng sầu tê tái, tuôn dòng lệ rơi

Bốn phương mưa gió não nề

Cốt hài phương Bắc, bóng hồn theo em

Hiển linh phò trợ mọi điều

Cho em vẹn giữ lời thề năm xưa

Rồi đây dầm dãi nắng mưa

Thay anh nuôi trẻ, không buồn cút côi

Lê la khắp chốn đó đây

Khác chi chim nhạn lẻ bầy kêu sương .


TN.
(Thân tặng các Bà có chồng đã bỏ thân nơi đất Bắc)



Tôi không bao giờ quên một cảnh tượng buồn ãm đạm khi chứng kiến hình ảnh của anh em tù cải tạo với vẻ mặt trầm buồn đẩy xác chết của cố Trung tá Tôn, cựu Phó trưởng phòng Nhì. Quân đoàn III ở Biên Hoà. Thân xác ông Tôn được lịm vào một quan tài đóng bằng bốn tấm ván gỗ thô sơ. Anh em tù đã đẩy quan tài của ông Tôn trên một chiếc xe cải tiến (loại xe bò trong Nam, nhưng nhỏ hơn), đi trên con đường dốc lúc chiều sẫm tối và chôn ông trên triền núi khi trời đang lất phất mưa. Cố Trung tá Tôn đã bỏ mình sau khi ông bị nhốt vào hầm tối vài ngày vì ông đã trốn trại mấy hôm thì bị nhân dân du kích của cộng sản bắt ông lại. Tôi nghĩ là ông bị bọn bộ đội ác ôn siết cổ chết rồi lên tiếng là ông Tôn thắt cổ tự sát, vì cái hầm tối mà chúng nhốt tù nhỏ như một cái huyệt đào sâu trên triền đồi làm sao mà dễ dàng dùng dây treo cổ được.



Những hơi thuốc lào sưởi ấm lòng tù.


Tội nghiệp cho những ông tù cao niên, họ ngủ rất ít vì lạnh quá không ngủ được. Giữa đêm khuya các ông thường hay ngồi bên cạnh đóng củi lửa đỏ cháy bập bùng giữa hai hàng sạp tre để sưởi ấm cho tù. Nhưng có thấm vào đâu vì anh em tù ngủ trong những dảy nhà tranh không kín đáo đối với cái lạnh và gió buốt của miền rừng núi hoang vu thường thổi lòn qua khe lá. Tôi còn nhớ mãi và sẽ không bao giờ quên được hình dáng của cựu Trung tá Đ… và vài ông nữa, tuổi bằng cha chú của chúng tôi lúc đó. Mình các ông quấn mền, đầu trùm khăn và mặt mày che kín mít chỉ còn thấy lộ đôi mắt sâu hỏm để nhìn thấy, còn chừa ra lỗ mũi để thở và đôi môi tím ngắt lâu lâu hít vài hơi thuốc lào cho đỡ lạnh. Mỗi lần tôi thức dậy vì cần ra ngoài cho vấn đề cá nhân, tôi trông thấy hình dáng của mấy ông thật là buồn não nề. Nếu tôi là hoạ sĩ tôi sẽ vẽ lại một bức tranh bất hủ của cái cảnh mờ mờ ảo ảo giữa đêm khuya với những hình dáng gầy đét xanh xao thật đáng thương của mấy ông nầy. Tôi xin ghi vài câu thơ đơn giản tả cảnh tượng buồn thê thảm ấy để gợi nhớ cảnh sống rất cùng cực của anh em tù ngoài Yên Bái :


Ngồi bên ánh lửa bập bùng

Lòng ta đau đớn nhớ thương quê nhà !

Ngoài kia suối chảy triền miên,

Đêm nay mưa nhẹ, gió hiu hắt buồn !


Gío đưa những giọt mưa phùn,

Như dòng nước mắt khóc tù xót xa !

Trăng đầy trăng khuyết em ơi !

Còn bao lâu nữa thấy con, vợ hiền ?!

 

TN


Sau khi chúng ta đã rời trại tù miền Bắc, những ai vì già yếu bịnh tật được thả sớm hơn, rồi kẻ vượt biên, người thì chờ đi diện HO hay đoàn tụ. Bây giờ chúng ta sống rải rác khắp bốn phương trời rất ít khi gặp lại, một số còn sức khoẻ gia nhập vào các hội đoàn hoạt động cộng đồng chống cộng hoặc cứu trợ tanh em thương phế binh bên nhà và tham gia nhiều công việc thiện nguyện khác v v…Thỉnh thoảng nghe tin buồn là người nầy ra đi một cách đột ngột vì lý do bịnh ngặt nghèo, người thì mang phải bịnh không thể cứu chửa và nằm nhà hoặc nơi viện dưởng lão để chờ chết. Một số trở thành phế nhân và cố lê lết quảng đời còn lại nơi xứ người buồn thật là buồn !.


Nhân mùa Đông đến trời đang mưa lạnh và buồn lắm, tôi vừa viết xong thêm vài trang hồi ký và xin chia sẻ cùng anh em chiến hữu và quý vị vài kỷ niệm hãi hùng trong các trại tù nơi rừng thiêng nước độc của miền núi hoang vu Yên Bái, Bắc Việt. Tôi xin có đôi lời thăm hỏi những bạn tù cùng chung cảnh ngộ còn đang sống cuộc đời tỵ nạn khắp nơi và thân mến chúc nhiều sức khoẻ để vui hưởng với con cháu trong những chuỗi ngày còn lai.


Tôi xin nghiêng mình tưởng niệm những người bạn tù đã bỏ thân nơi đất Bắc. Không gì khổ và nhục cho bằng đời sống tù với bọn cộng sản. Có câu: Nhứt nhựt tại tù bằng thiên thu tại ngoại, nhưng tôi nghĩ: một ngày tù với bọn cộng sản VN bằng trăm cái thiên thu !

Nguyễn Minh Châu

Con gà trống của người Lính tù


 

Con gà trống của người Lính tù


Phan Thái Yên



1.
Nhóm lính tù ngồi bó gối trên đòn gỗ quanh chiếc thùng đạn pháo binh kê dùng làm bàn trên nền đất rít ẩm. Hai chiếc thau nhôm úp vào nhau, nằm lỏng chỏng trên mặt bàn. Bên trong là khẩu phần bo bo cho buổi ăn tối của nhóm. Họ ngồi trấn an nhau chuyện vẫn chưa thấy con gà trống về ngủ bên góc bếp quen thuộc dành riêng cho nó. Từ một lúc nào đó, câu chuyện trở chiều xoay quanh cơn mưa chuyển mùa đã làm đoàn tù cải tạo ướt đầm lúc lếch thếch kéo nhau về từ trong rừng cao su sau ngày dài lao động. Nước mưa sót lại trên trần lá giàn dưa tây đã qua mùa trái, thỉnh thoảng nhỏ từng giọt đọng muộn màng xuống mặt bàn thô nhám hoen ố thời gian. Vài giọt rơi trên chiếc thau nhôm gây nên chút âm thanh chợt vỡ, nhỏ nhặt rồi lụn tàn không chút vướng vất. Họ lách mắt qua màn lá dưa, chăm chú nhìn về phía khu nhà quản giáo lẩn khuất sau rào bên kia dải đất trống. Tiếng quát tháo, rượt đuổi, lẫn trong tiếng reo hò của bầy vệ binh đánh bóng chuyền khiến họ nhìn nhau, ngờ ngợ nỗi lo. Một người lính bỏ chỗ ngồi cạnh bàn, kéo chiếc đòn gỗ ra trước bếp đang âm ỉ nồi lá rau lang luộc trộn với đọt lá sắn. Anh khêu bùng ngọn lửa, châm thuốc vào chiếc điếu cày làm bằng vỏ nhôm trái sáng, rồi rít một hơi thuốc lào dài đến rúng sâu lồng phổi. Anh sốt ruột lắng nghe tiếng gà vùng vẫy kêu đau, âm thanh thoắt nghẹn cố vượt thoát khỏi hơi giọng lềnh nặng tục tằn của người vệ binh nào đó đang hồi ganh giận.


- Tiên sư con gà “Ngụy” lếu láo này, cái phao câu vểnh lên thế kia mà mày cứ bơ ra như không có gì xảy ra thì có chán không cơ chứ !?


Một giọng nói khác vang lên châm chọc.


- Tớ thấy sáng nào anh chàng cũng làm liên thanh con gà mái dầu đi cặp... Chắc nó chê phao câu quê-em-miền-trung-du của cậu rồi đó. Thiến mẹ nó đi là hòa cả làng !...


Người lính tù lo lắng đứng vói chồm lên rào trại, rảo mắt tìm bóng dáng con gà trống trong nhá nhem màn đêm đang xuống. Anh khum tay làm loa, nói lớn về phía khu nhà vệ binh.


- Báo cáo cán bộ, làm ơn cho tôi xin lại con gà đi lạc.


Tiếng gào xin rơi tuột đâu đó xuống vùng bóng tối giữa bãi đất trống. Chỉ còn tiếng quằn oại của con gà trống chìm dần trong tiếng người nhạo báng, hỗn độn và vô lương. Tiếng rơi huỵch của thân xác con gà bị quăng vào nền đất, theo sau là chuỗi im lặng xé lòng. Bầy người vừa thỏa chút lòng ganh ghét có lẽ đã bỏ đi. Cơn im lặng kéo dài. Những cặp mắt căng luồn bóng tối dừng lại bên xác con gà nằm sóng soài trên mặt đất. Một lúc sau, có lẽ hơi đất ướt đã giúp con gà trống lấy lại được hơi thở. Nó ngóc đầu nhìn quanh, gượng đứng lên nhưng chỉ chập choạng được vài bước lại ngã xoài xuống vì quá yếu.


Không đành lòng nhìn đôi chân con gà trống mệt mỏi cày chống trong đất lết từng chút một về phía mình, người lính tù dùng sức kéo rộng khoảng rào bằng dây thép gai, lách mình dợm chui qua. Một bạn tù lo lắng kéo tay anh lại.


- Mày cố gắng chờ thêm chút nữa đi, thế nào nó cũng lết về được. Chui rào, vệ binh bắt được bị cùm làm kiểm điểm không đáng.


- Ở đó mà đáng với không đáng. Nếu nó lết về không tới nơi, nằm chết bên đó thì mày tính sao ?


Người bạn tù khác cố gắng phân giải.


- Thằng nào cũng có lý hết. Thằng Hổ chết gần tròn một năm rồi. Gia đình nó cạy cục xin ban “quản trại” mãi mới được phép sau dịp “lễ” tháng Chín lên làm giỗ đầu và dời mộ về Sài Gòn. Cặp gà thằng Hổ trối lại nhờ nuôi. Tuần tới vợ con nó lên, nếu con gà trống bị chết tối nay thì lại thêm chuyện đau lòng. Tao nghĩ...

- Nghĩ mẹ gì... mầy thì lúc nào cũng bận rộn suy-tư-cuộc-chiến ...


Anh lính trẻ tuổi nhất trong nhóm trách đùa bạn trong lúc hối hả đặt cái thau rau luộc lên bàn. Anh bước đến sát hàng rào, miệng la lớn vào bóng tối “Báo cáo cán bộ, cho thằng bạn tui đi tìm con gà bị lạc”, tay thì đẩy bạn qua rào.


- Tao xin phép cho mày rồi đó. Êm thì thôi, nếu không, tao theo vô hộp cho có bạn...

Rồi anh quay qua ra dấu cho bạn tù đứng quanh.


- Tụi bây vào ngồi khuất trong bếp, để mình tao chờ ngoài này thôi.


Người lính tù khom người chạy về phía con gà trống bị nạn. Anh quỳ xuống ôm con gà bê bết máu vào lòng. Lúc anh đứng lên, dợm bước về phía rào trại, thì tiếng quát tháo chừng như đang chờ sẵn từ trong cuống họng đắc chí nào đó lanh lảnh vang lên cùng lúc với tia sáng ngọn đèn bấm nhọn lểu, le dài, liếm láp không sót khoảng sân nhão nhoẹt đất đỏ.


- Anh kia đứng lại ! Láo nhể ! Dám vi phạm nội qui trại đi vào đất cấm.


Người lính tù vẫn đứng chờ bạn bên bờ rào, vói người dang cao hai tay quơ vẫy, biến mình thành mục tiêu để phân tâm sự chú ý của gã vệ binh. Anh nói nhỏ cho bạn vừa đủ nghe “Đ. mẹ ! Không êm rồi ! Mày cứ tiếp tục bước, đưa con gà cho tao lẹ lên !” rồi ồn ào lớn tiếng với gã vệ binh đứng khuất lấp đâu đó trong bóng tối.

- Báo cáo cán bộ, tui bự con không chui qua rào được nên nhờ người bạn tìm giùm con gà.


Anh kéo bạn về phía mình, đón ôm vào lòng con gà trống đau đớn rũ lông ngoẹo đầu trong cơn đại nạn. Vệt sáng ngọn đèn bấm dừng lại xoi bói trên mặt hai người lính tù rồi lắt lay theo bước chân gã vệ binh loắt choắt đi về phía nhà quản giáo.


- Cho chúng mày lếu láo, lần này thì ông cùm cả hai.


Hai người lính ngồi nuốt vội bát rau luộc trộn bo bo dưới bóng ngọn đèn dầu khói tỏa nhiều hơn ánh sáng. Họ bước về phía cái chái sau của gian nhà cuối dãy trại, lố nhố bạn tù im lặng đứng ngồi. Từng ánh mắt lo âu chăm chú nhìn người tù bác sĩ đang khâu lại vết thương bết máu dưới bụng gà. Nhóm lính tù xuýt xoa vui mừng khi người bác sĩ nhẹ đặt con gà xuống tấm áo lính trải trên nền đất, vuốt ve lên đôi cánh màu sặc sỡ. Con gà trống chậm chạp run rẩy đứng lên, chiếc cổ từ từ vươn cao, kiêu bạc cất lên tiếng gáy dù hơi sức còn khàn vướng cơn đau. Tiếng gáy trùng chất lời trần tình trống mái thủy chung được xúc động đáp lời bằng tiếng chắt chiu vẹn nghĩa thương yêu. Vòng người giãn ra, mở lối cho cuộc đoàn viên. Con gà trống chậm chạp lê từng bước chân về phía góc bếp. Hắn đang trở về. Trong chiếc thùng cạc-tông cũ lót rơm, con gà mái nằm xù lông, ấp ủ bầy con tương lai của mẹ. Nàng nghểnh cổ nhìn vòng người vây quanh, nghi nan nhìn cơn mơ đang hiện thực. Cho dù mất mát tang thương, hắn cũng đã trở về...


Nhóm lính tù đứng im sửng trong xúc động không ngờ. Rồi như một nhiệm mầu, từ bên dưới chiếc cánh ấm nồng ấp ủ, chú gà con mịn như nắm tơ vàng và mong manh như một điều không thực đang chiêm chiếp khởi sinh một cuộc bắt đầu.

Ngoài kia tiếng còi tập họp bất thường chợt ré lên từng hồi khẩn cấp. Họ nghe mà hình như không ai để ý tới.



2.
Đất trời sắp sửa bước vào tháng Chín. Những bài ca về một mùa Thu sắt máu, hùng hồn trong quân nhịp gươm đao vang lên từng chặp từ máy phóng thanh. Có thể mùa Thu đang về ở một nơi nào khác, nhưng nắng ở đây vẫn hừng hực dây dưa cơn sốt hạn. Buổi sáng trong rừng cao su, cây lá uể oải không muốn thức giấc để phải chịu đựng thêm một ngày đổ lửa. Từng hàng cây thẳng tắp, thân già nua chồng chất những vết cạo dài, hằn sâu, mủ đọng lâu ngày ngả màu nâu đặc, như thể xác người mẹ cơ cực đã khô cạn dòng sửa nuôi con. Xa lắm cuối mỗi hàng cây, đuối tầm mắt nhìn ngái ngủ là những ô ánh sáng mông lung như khung cửa mở ngập màu mây trắng xám trong một cơn mơ rất cũ. Cỏ hoang mọc tràn lối đi giữa mỗi hàng cây, ngọn lá se sắt cúi đầu cầm giữ chút hơi sương chực thoắt bay theo cơn ngày đang tới.


Thời gian gần đây, hàng ngày, tù binh từ các trại cải tạo được lệnh xâu kéo nhau đi lao động ngoài, ở những khu rừng cao su thiếu người chăm sóc quanh vùng. Dù sao thì cũng đỡ hơn gồng gánh phân người lên dốc đồi quanh trại chăm tưới từng luống rau vùng canh tác. Một chu kỳ sinh dưỡng héo hon. Một trăm lá rau lang luộc trong lon gô ăn độn với bo bo. Dãy nhà cầu và thùng phân chưa kịp biến thể. Những luống rau lang tốt màu lục diệp...


Trên khoảng đường hơn ba cây số từ trại đến rừng cao su, đoàn người đi qua khu chợ nhỏ và một quãng ngắn quốc lộ. Những đôi mắt đoái nhìn nhau, ái ngại xót thương. Những mái đầu cúi xuống, quay đi, ngăn che dòng lệ. Đoàn người như xâu chuỗi dài lê thê, im lìm bước theo nhau đi vào trong màu xanh mờ đục của lá rừng. Bước chân tiếp bước chân, hững hờ, vô tưởng, như từng hạt tràng đen lần đi khôn tận trên ngón tay vị sư già chìm sâu trong cơn thiền định. Họ được chia thành từng nhóm nhỏ đi vào giữa hai hàng cây cao su cỏ lan khuất lối mòn. Chiếc nón cối màu xanh bạc của vài người vệ binh loắt choắt nhấp nhô trên tầng ngọn cỏ, súng vươn cao hơn đầu. Mấy chục năm trước có lẽ là chiếc nón cối màu vàng đất sét của gã mộ phu lêu khêu bên đoàn công nhân cạo mủ. Cánh rừng cao su bạt ngàn, giống nhau từng thân cây oằn nặng tang thương giọt nhựa. Thực dân. Cộng sản. Ở giữa, bên dưới, là thân phận con người Việt oan nghiệt truân chuyên.


Nhóm lính tù cuối cùng đứng lại ở bìa rừng. Họ cười rộ lên khi một người cất giọng xuống xề câu hát cải lương có lá rừng đan kín đường về phồn hoa.


Hát xong anh đảo mắt nhìn quanh đám cỏ hoang, tìm kiếm.


- Tao chỉ ngại lá rừng che kín không cho thấy xà lách xon thôi. Mẹ ! Vạt rừng ngày hôm qua đã thiệt.


Một người lính tù cao lớn, râu vểnh ngang tàng, ngồi tựa lưng gốc cao su. Anh lấy chiếc điếu cày làm bằng ống nhôm đạn trái sáng, châm thuốc, rít sâu rồi phả một hơi dài, làn khói thơm vướng quyện lên ngọn cỏ. Anh nhìn quanh, nói nhỏ.


- Khỏi lo. Tao sắp có tiếp tế rồi. Bà xã tao ở Sài Gòn lên, ở lại nhà người bà con gần chợ mấy ngày. Lúc nãy, vừa thoạt thấy bả, tao mừng quá suýt nhảy ra ôm đại. Tao dặn nhờ người nhà đi theo cho biết chỗ rồi chờ đến trưa lén vào. Hắn nháy mắt, cười đểu. Tụi mày ráng canh me vệ binh cho kỷ, bà xã tao cám ơn.


Anh bạn tù hát cải lương ngẩng mặt nhìn trời, lớn giọng thở than, trêu chọc.


- Than ôi...Cô bé choàng khăn đỏ sắp bị...trùm poncho... bởi con quỷ râu xanh rồi mà nàng vẫn hí hửng bước chân vào cánh rừng cạm bẫy...


Họ cùng cười với nhau rồi bắt đầu làm việc thật nhanh. Nắng bắt đầu lên. Tia nắng len lỏi qua trần lá xanh kín, cắm xiên lên mặt đất những luồng sáng bừng lên kỳ ảo.


Trong nhóm bạn tù bốn người, chỉ mình Hổ có gia đình ở Sài Gòn. Hai bạn độc thân quê ở nơi xa nhất của vùng Lục Tỉnh. Người lính tù có gia đình tận ngoài Trung vẫn thường kể cho bạn nghe về thành phố quê hương bên bờ vịnh biển. Thành phố anh và cô học trò chung lớp đã lớn lên theo từng mùa phượng rực rỡ bến nước Hàn Giang. Họ thành đôi vợ chồng, long đong theo vận nước điêu linh. Đứa con đầu lòng ra đời trong cha con đành đoạn chia lìa. Con gái sắp sửa thôi nôi thế mà bố chỉ mới thấy mặt qua vài tấm hình mẹ gởi vào. Anh vẫn thường chăm chú nhìn theo mỗi bóng dáng mẹ bồng con thơ trên những chiếc xe đò tốc hành chạy trên quốc lộ để rồi luyến tiếc ngẩn ngơ. Hổ là phi công chiến đấu. Anh cưới vợ vào tuần cuối tháng Tư. Để chính thức mà đưa nhau đi. Số phận đã dành cho cô gái vừa tròn đôi mươi sớm biết nỗi buồn cô phụ !


Cơn nắng trưa rực rỡ xuyên qua tàng lá, chạm trổ lên lối đất bụi đỏ từng miếng nắng vàng tươi nôn nao mời đón từng bước chân người vợ xao xuyến tìm chồng. Người đàn bà trẻ còn nét thẹn thùng con gái. Khuôn mặt nàng hồng lên, chẳng biết vì nắng đường xa hay vì cơn sóng hạnh phúc đang rợn ngợp lòng nàng.

Nhóm lính tù chia nhau cất giấu quà tiếp tế cho bạn. Họ mừng rỡ nâng niu cặp gà trống mái vừa lớn bằng nắm tay đang chiêm chiếp gọi nhau.


Rừng trưa im vắng, thì thào cơn gió nhẹ luồn bay trong lá, rời rợt tiếng chim. Xa xa lính canh tù nằm biếng lười trên những chiếc võng treo dưới tàng cây, đong đưa giấc ngủ trưa hấp háy bụi nắng chao rụng theo nhịp võng. Vùng cỏ tình son cũng động lòng chăn chiếu, cuống quýt rạp mình cho thèm khát mở toang. Bao trằn trọc nhớ nhung ấp ủ trong mường tượng bơ vơ của một suốt thời gian xa cách đang níu ngập vào nhau. Mắt ríu lại cho trưa hè chợt buông đêm nguyệt tận. Đêm chật ních không gian, thảng thốt môi gào...


Thời gian người đàn bà ở lại lén thăm chồng, mỗi buổi rừng trưa là mỗi đợt sóng hừng hực cơn hạnh phúc trào dâng. Cỏ bồng ngả nghiêng trì níu dòng cảm giác thống lộng, nhấp nhô theo từng cơn xúc động như sóng vỡ bờ.


Ngày Hổ nhận thư vợ báo tin mừng hắn vui sướng hả hê. Hổ ôm chầm lấy cặp gà nựng nịu khiến hai con gà đang trổ mã hoảng sợ gáy la inh ỏi. Nhìn cặp gà lúc thúc theo nhau tìm ăn trong dải đất trống ranh giới giữa trại tù và khu nhà “quản giáo”, Hổ mơ màng chuyện tương lai. Hắn hi vọng không lâu sau ngày đứa bé ra đời, Hổ sẽ được trả tự do. Cặp gà lúc đó đã lủ khủ một bầy con và Hổ sẽ mang về làm quà cho đứa con đầu lòng của mình.


Giấc mơ không hề thành sự thật. Tai họa đổ ụp xuống kiếp người vắn số. Trong buổi lao động dọn dẹp khai quang cái đầm nước trước khu nhà “quản giáo” cho dịp lễ đầu tháng Chín, Hổ đạp nhằm trái lựu đạn còn sót lại từ thời chiến tranh. Ba người bạn tù trong nhóm tình cờ đứng cách một mô đất nên chỉ bị xây xát nhẹ. Khuôn mặt Hổ bị cắm nhiều miểng đạn và phần bụng bị miểng cày nát toang. Nhìn vết thương quá trầm trọng, viên “y sĩ bộ đội” với lòng tự trọng tối thiểu đã trao dao kéo cho người tù bác sĩ giải phẫu của Quân Y Viện Cộng Hòa trước 75. Sau hai ngày cố gắng hết lòng, người thầy thuốc đành gạt lệ vuốt mắt cho bạn tù. Ông ngao ngán nhìn căn phòng trống, vải trắng giăng quanh, được dùng làm phòng giải phẫu. Hổ nằm đó yên lặng muôn đời trên chiếc bàn ping-pong phủ khăn trắng. Chai nước biển bạn tù quyên góp nằm chúc đầu khô cạn, ống chuyền cao su treo hờ hững buông lơi. Giấc mơ nhỏ nhoi mang bầy gà cho đứa con ngày trở về chỉ còn lại lời trăn trối rời rạc. Ngón tay lơi thả xuôi vĩnh cửu lúc môi khô mấp máy tên gọi người thân trước hơi thở cuối cùng !


“Ban quản giáo” trại không muốn bị bận rộn phiền phức, đã cho chôn cất Hổ ngay buổi chiều hôm đó. Quan tài đóng vội bằng gỗ vỏ thùng đạn đại bác. Tấm hình Hổ trong quân phục bay được lén đặt lên quan tài, nhỏ nhoi sau vòng hoa khoai màu tím kết chung với nhiều dây hoa súng trắng hái lên từ đầm nước oan khiên.
Đám tang thì buồn. Toàn trại tù đứng lặng yên, nuốt ngược dòng nước mắt thương hận. Họ nhìn Hổ giây phút cuối. Giọng nói đều đều bài bản của tên “quản giáo” như những tiếng động vô nghĩa, lả tả rụng rơi không một âm vọng. Còn lại nụ cười tươi của người lính tỏa rạng, lan xa, tiếp chuyền với tiếng cười hạnh phúc trong khu rừng trưa giòn tan bóng nắng. Còn lại giấc mơ đời người mà sao cuộc trở về đã chợt vĩnh chung !


Nhóm lính gánh bạn đi theo người tù Tuyên úy về phía ngọn đồi bên trên khu canh tác phía ngoài rào trại. Tay ôm tấm hình người lính có nụ cười tươi và ngọn đèn dầu chai thay nến leo lét cháy, ông cúi đầu chậm rãi bước trong chiều hôm. Cơn mưa thay mùa đêm trước làm lối dốc đất đỏ nhão mềm. Từng bước chân khổ ải bấm vào đất đỏ như máu rịn tươm đi về phía huyệt mộ. Lời kinh cầu khản nghẹn cơn đau thương trầm thống như heo may về đan kín ngày tháng muộn phiền. Người lính tù đứng lặng nhìn ánh đèn chuyến xe tốc hành trên quốc lộ chạy về phía quê hương.
Ngọn đèn xa xăm như vì sao băng trễ nải muộn màng. Giấc mơ anh nơi đó. Gia đình vợ con, chắt chiu trong hồn anh đằm thắm thiết tha, sao chợt xa xôi như tận cuối một tinh cầu !


Cặp gà lớn nhanh trong sự săn sóc của nhóm lính tù. Dải đất trống phía ngoài rào trại vui mắt hơn với hình ảnh cô cậu gà trổ mã dẫn nhau đi tìm ăn. Chiếc đuôi sặc sỡ của chú gà trống cong dài, láng mượt, lôi cuốn cô gà mái lông màu vàng mơ bươn bả theo sau như bóng với hình. Chú gà thường đắc chí vỗ xành xạch đôi cánh vũ óng ánh màu đỏ tía rồi cất tiếng gáy rồ rồ cụt ngủn như cậu con trai vừa bể giọng. Chú chăm chỉ luyện giọng nên chẳng mấy chốc mà tiếng gáy đã sắc sảo uy nghi. Mỗi sáng sớm, chú nhảy ra khỏi góc bếp, bay qua rào rồi bươn chạy ra dải đất trống phía cổng trại, cất tiếng gáy chào đón bình minh. Một buổi sáng, đoàn tù cuốc xẻng trên vai theo nhau bước qua cổng trại ra vùng canh tác lao động. Không hẹn mà họ cùng dừng chân, xúc động nhìn con gà trống đứng hùng dũng trên nóc pháo tháp xác chiếc T 54 hoen rỉ, cháy nám, loang lổ vết đạn. Chú oai vệ vỗ cánh, cổ vươn cao cất tiếng gáy sang cả uy nghi. Cảm giác bồi hồi nghe chân mình dõng dạc bước đi trong tiếng gáy uy vũ vang vọng chiến thắng đã mang lại cho người lính tù chút giây phút ấm lòng mỗi sáng bước qua cổng trại tù.


Buổi sáng, lần đầu tiên nhóm lính tù chứng kiến cảnh con gà trống đạp mái là một ngày vui trọng đại. Những lời phê phán, đùa bỡn qua lại, ồn sặc trong khói thuốc lào gắt nồng. Đây là lần chúng nó bị bắt quả tang đang “dĩnh” phao câu, còn bao nhiêu lần chùng lén trước mình không biết thì sao ? Như vậy là tiền dâm hậu thú, không được. Lo mà cưới hỏi cho tụi nó gấp đi. Không thấy thằng Tía mặc áo mưa gì cả, sớn sác mà con Mơ chình ình cái bụng lên thì mang tiếng với xóm giềng chết...


Thế là nhóm lính tù chia hai, làm sui. Đàng trai đàng gái xúm lại làm đám cưới cho thằng Tía, con Mơ. Tiệc cưới cũng rình rang lắm. Chè bí đường tán, chè long tu, cà phê gạo rang, nước rể tranh, thuốc lào, thuốc điếu... Mọi người vui vẻ suốt buổi sáng cuối tuần hôm đó.


Cuộc hôn nhân cũng trải qua những thử thách gay go. Không lâu sau ngày cưới, một con gà mái lạ thỉnh thoảng mon men vào trong sân tìm trống. Chỉ sau vài chạng vạng kín đáo theo dõi gã vệ binh hối hả nuôi con gà mái vừa sở hữu, nhóm lính tù đã dò biết được lý lịch của o gà bộ đội. O được người vệ binh có giọng nói sệt nặng miền ngoài bồng theo về sau lần thăm quê mới đây. Khoảng đất trống màu mỡ có lắm cái ăn, mà o gà bộ đội lại lắm từng trải bon chen nên o mập ra và láng lẩy nhanh đến trông thấy. Gã vệ binh rất nóng lòng trong việc tăng gia cải thiện. Hắn chong chuốc nghĩ tới bầy gà con, rồi bầy gà lớn lên, tiếp tục sanh sôi, làm lòng hắn cứ bấn lên khoan khoái. Mỗi lần nhác thấy bóng chú gà trống đi thơ thẩn trong sân là hắn vội vàng xua gà chui qua rào, miệng hăm hở thúc giục răn đe. Con gà mái của gã vệ binh lật đật bước quanh sân, lông xù ra, từ chiếc mỏ phát ra tiếng rù rúc gọi tình. O tiến tới trước mặt con Tía, rùn người xuống, lông đuôi sừng dựng lên chờ đợi.


- Đây là thế “Bành kê dụ địch”, rất là gay cấn. Để coi thằng Tía xử sự ra sao.


Đang hồi hộp theo dõi từng diễn biến trên khoảng sân trống, nhóm lính nghe người bạn tù trẻ dí dỏm diễn nghĩa, không nén được tiếng cười. Con Tía nghểnh cổ nhìn vội o gà mái quá thì lang chạ. Hắn cất tiếng gáy gọn lảy chê bai rồi chạy theo con Mơ đang kiêu sa bước về phía rào trại. Có tiếng gã vệ binh bực dọc gọi gà về chuồng. Tiếng quát tháo phát ra từ phía bụi chuối bên kia khoảng sân trống chìm dần trong bóng tối cuối ngày.



3.
Hai người lính tù bước ra khỏi nơi kiên giam. Họ được thả sớm một ngày nhờ gia đình Hổ lên dời mộ, ban quản trại cho phép đến thăm để nhận di vật của chồng. Lối vào trại nắng chói chang, có lẽ vì suốt tuần lễ qua họ mãi nằm trong bóng tối. Mẹ Mơ đã bỏ ổ, theo bố Tía, dẫn con đi ăn trong khoảng sân quen thuộc. Họ đứng lặng người nhìn cảnh gia đình đầm ấm của đàn gà. Con gà trống tuy chậm chạp vì vết thương chưa lành, đôi chân vẫn bận rộn bươi xới tìm mồi. Bầy gà con như những nắm tơ vàng óng, ríu rít quẩn quanh dưới đôi cánh mẹ xù lên bảo bọc. Con gà mái tơ hôm nào, bây giờ là bà mẹ hiền thảo, sẵn lòng liều chết vì con. Một lát nữa đây đàn gà sẽ được trao lại cho gia đình người bạn tù. Điều nhỏ nhoi sót lại từ giấc mơ của một đời người. Còn niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc trở về, thì đã ngàn thu !


Anh nghĩ tới người đàn bà trẻ sống trọn vẹn với chồng những buổi rừng trưa năm trước, bây giờ là một người mẹ. Anh tự nhủ sẽ không quên hỏi tên đứa con nàng ẵm theo trong ngày dời mộ cha. Anh đã biết, anh vẫn nhớ, bởi đó là tên giấc mơ của người cha đã sống động trong từng hơi thở, tiếng gọi mỗi ngày. Anh chỉ muốn được một lần nghe lại âm thanh trìu mến đó, từ người mẹ, như sự an ủi cuối cùng cho người lính tù tuẫn nạn. Cho anh. Để nhủ lòng mà sống qua cơn mộng dữ !


Phan Thái Yên

Monday, June 24, 2013

Phi Đoàn 1 Quan Sát


 


 

Phi Đòan 1 Quan Sát (tiền thân của PĐ 110) được thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1952 tại Nha Trang.

Lễ trao quốc kỳ

Đại úy Roger Cottet trao quyền chỉ huy Phi Đoàn 1 Quan Sát cho Trung úy Nguyễn Ngọc Óanh vào đầu năm 1953. Hình trên Tr/u Oánh trao quân kỳ phi đoàn cho th/u Phùng Văn Chiêu, thủ kỳ.

PĐ 1 qs (110)

Hình chụp một phần lớn các sỹ quan và hạ sỹ quan trong Phi Đòan 1 Quan Sát trước chiếc Morane 500
Từ trái sang phải, hang đứng:

Đỗ Khắc Mai, Đinh Thạch On, Phùng Văn Chiêu, Nguyễn Đình Giao, Phạm Văn Thanh, Lê Minh Luân, 1 sỹ quan kỹ thuật Pháp (quên tên), Đ/u Cottet, Đ/u Rohdner (phụ tá Đ/u Cottet), Tr/u Nguyễn Ngọc Oánh (chỉ huy phó), Dương Thiệu Hùng, Từ Bộ Cam, Phạm Long Sửu, Võ Dinh, Nguyễn Kim Khánh (Khánh lớn)

Hàng ngồi: Phan Châu Chữ, Võ Phước, 1 hạ sỹ quan cố vấn kỹ thuật, Nguyễn Mạnh Bổng, 1 hạ sỹ quan cố vấn kỹ thuật, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Thế Anh, 1 hạ sỹ quan cố vấn K/T, Bui Quang Các. Còn lại khá nhiều nhưng không có mặt.

Th/u Nguyễn Mạnh Bỵ

Th/u Nguyễn Mạnh Bổng, hoa tiêu, và Đ/u Roger Cottet chụp bên cạnh chiếc Morane 500.

Th/u Phùng Văn Chiêu

Một Biệt Đội Hành quân của PĐ 1 QS bên cạnh PĐ 23 QS Pháp tại phi trường Bạch Mai, để làm việc với Quân Khu 3 Bắc Việt. Th/u Phùng Văn Chiêu, mặc quần áo bay kaki mang colt cùng với chiếc Morane 500 danh hiệu Criquet Maudavin (cùng với phóng viên chiến trường) tại sân bay Bùi Chu đầu năm 1953.

Toán Thủ Kỳ

Tóan thủ kỳ PĐ 1 QS do Th/u Phùng Văn Chiêu điều khiển.

Tr/tuong
 Nguyễn Văn Hinh

Ngày trao quyền chỉ huy Phi Đòan 1 Quan Sát (PĐ 110) cho các sỹ quan KQ VN. Đại Úy Roger Cottet được Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội VN, trao Anh Dũng bội tinh Viêt Nam. Đầu tháng 3 năm 1953.

Đ/u Roger Cottet và Tr/u Oánh

Thời gian mới thành lập khoảng cuối năm 1952 sang đầu năm 1953. Đại úy Roger Cottet chỉ huy trưởng (trái) Trung úy Nguyễn Ngọc Óanh chỉ huy phó (phải). Hình chụp bên cạnh chiếc phi cơ quan sát Morane 500 có sơn cờ vàng 3 sọc đỏ.

 

Bui Ngoc Thang
713 820 1470
21226 Somerset Park Ln
Katy TX 77450

 


Sunday, June 23, 2013

Vợ Lính Thời Chinh Chiến…


 

 

1. Vợ Lính Thời Chinh Chiến…


Thôn Nữ Bàu Trai

 

Lời Giới Thiệu:

Tác giả bài viết này là một phụ nữ sinh trưởng ở Bàu Trai, miền Đông Nam Phần. Đây là một địa danh mà các quân nhân từng hành quân ở vùng 3 chiến thuật đều quen biết.

Từ câu chuyện tình đơn sơ, một thiếu nữ hiền lành trở thành người vợ lính thời chiến. Đời sống gia binh, người chồng chuẩn bị đi hành quân, tiếng khóc của góa phụ nhà kế bên, tiếng xe Jeep của chàng trở về chạy trên sân sỏi, tiếng súng đêm đêm vọng lại, những lần từ biệt vội vàng, các chuyến về thăm nhà bất chợt giữa các trận đánh. Người vợ lính với 20 năm khắc khoải, hạnh phúc đếm từng ngày để đến lúc tan hàng lại tiếp tục lo cho chồng đi cải tạo. Chúng ta đã từng đọc các trang sử chiến tranh của nam nhi thời binh lửa. Bây giờ xin một lần đọc để thông cảm cho những giọt lệ của phụ nữ VN trong vai trò vợ lính thời chinh chiến.*

       Trong các chị em gái của gia đình, tôi là đứa con gái nhút nhát nhất. Tôi không thích xem phim chiến tranh, sợ nghe tiếng súng nổ, nên tôi không mong muốn lấy chồng nhà binh như phần đông các cô gái khác thích những chàng trai trong bộ quân phục oai hùng. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của Ba tôi. Ba tôi là viên chức hành chánh, ông thường than phiền một số sĩ quan trẻ ngang tàng và lái xe ẩu.

      Một đêm khuya sau Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi nghe tiếng gõ cửa, Ba tôi cẩn thận đuổi chị em tôi vào phòng, đóng cửa kỹ lại. Ông bỏ cây súng nhỏ vào túi quần và ra mở cửa. Một sĩ quan trẻ tuổi mặc rằn ri vào xin cho binh sĩ đóng quân trong khu vườn nhà tôi và cho cấp chỉ huy của họ ở tạm trong phòng khách. Lúc đó Ba tôi mới yên tâm biết là đơn vị đi hành quân về đến đây tìm chỗ nghỉ quân.

       Lính ở đầy trong khu vườn nhà tôi nhưng không phá phách gì như một số người đồn đại. Riêng vị sĩ quan ở trong phòng khách nhà tôi với cái ghế bố nhà binh nhỏ bé, nằm khiêm nhượng ở một góc phòng. Cuộc sống gia đình tôi không có gì thay đổi khi có mặt vị sĩ quan này. Chúng tôi lịch sự không đi tới lui trong phòng khách. Ban đêm thỉnh thoảng chúng tôi nghe những câu hát vu vơ hoặc vài câu vọng cổ của các người lính trẻ than thở nhớ gia đình và người yêu. Chúng tôi thông cảm và thương mến họ hơn.

       Dần dần ba mẹ tôi có cảm tình với vị sĩ quan chỉ huy. Những lúc rảnh rỗi, ông đến nói chuyện hoặc được ba tôi mời ăn cơm gia đình. Ông sĩ quan này mượn phòng khách để làm nơi hội họp của bộ chỉ huy, nhờ thế gia đình tôi quen biết thêm vài sĩ quan nữa. Câu “quân dân như cá nước” là đúng, chúng tôi thân tình rất mau, có những bữa ăn hoặc những buổi tối ngồi chung để xem ti vi thật vui vẻ. Quan niệm không tốt về nhà binh, cảm giác sợ sệt những người lính chiến trong bộ quân phục rằn ri không còn nữa.

 http://vnafmamn.com/VIETNAM%20WAR/VietArtCenter1.jpg

       Cũng nhờ dịp đơn vị dừng quân, tôi đã gặp nhà tôi sau này. Anh là một trong các sĩ quan trẻ của đơn vị. Chúng tôi biết nhau qua sự giới thiệu của vị sĩ quan quen thân với gia đình như đã kể trên. Một thời gian sau chúng tôi thương nhau và anh xin làm đám hỏi sớm để còn lên đường đi hành quân. Có lần anh nói, gia đình hối thúc cưới vợ, nhưng “Đời lính tác chiến xa nhà, ra đi không chắc có ngày trở lại, cưới vợ chỉ làm khổ cho người đàn bà.” Và anh không muốn vướng bận thê nhi trong thời ly loạn. Sau đó anh đi hành quân liên tục, thỉnh thoảng tôi chỉ nhận được thư. Hơn một năm sau đơn vị anh về đóng quân tại Biên Hòa gần Sài Gòn, đây là dịp tiện lợi để chúng tôi tổ chức đám cưới.

       Tôi theo chồng về ở căn nhà trong trại quân đội. Bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, ngoài gia đình cha mẹ thương yêu, tôi còn có người chồng tính tình trầm tĩnh, hòa nhã với mọi người. Sau những ngày nghỉ phép cưới vợ, anh trở lại cuộc sống nay đây mai đó, anh đi ba bốn tháng mới về một lần hoặc lâu hơn tùy tình hình chiến sự.

        Khi anh chuẩn bị đi hành quân tôi không hề biết trước nhưng dễ nhận ra ngay. Tôi thấy những binh sĩ làm việc với anh lăng xăng dọn dẹp chuẩn bị quân trang. Nhưng tôi vẫn mong mình nghĩ lầm. Anh trở về nhà gương mặt đượm nét quan trọng, ít nói với tôi hơn. Bận rộn với giấy tờ, điện thoại và dặn dò người này người kia liên tục. Tôi hiểu anh không có thì giờ để nghĩ đến gia đình. Tôi không quấy rầy anh, tôi luôn luôn nhớ lời dạy bảo của ba tôi trước khi tôi đi theo chồng: “Con đừng bao giờ xen vào công việc của chồng con.” Ăn cơm tối xong anh tiếp tục chuẩn bị tài liệu. Tôi buồn vì sắp phải xa chồng, không biết làm gì hơn là ngồi sau lưng anh, áp má vào sau lưng anh im lặng. Anh làm việc đến gần nửa đêm, xong anh kêu tôi lại ghế salon ngồi, anh dặn dò mọi việc ở trong nhà, có buồn trở về nhà cha mẹ chơi, nhất là phải cất kỹ tờ giấy hôn thú. Tôi hiểu anh muốn ám chỉ điều gì, tôi nghe lòng tê tái. Tôi có bao giờ nghĩ đến mười hai tháng lương tử tuất để thành góa phụ! Không, tôi chỉ cần chồng tôi.

      Sau đó chúng tôi chỉ ngủ được vài giờ. Ba giờ sáng trong sân trại rầm rộ tiếng xe, tiếng nói ồn ào của lính. Trong cảnh lờ mờ tối, tôi nhìn ra sân thấy những người lính, lưng đeo ba lô nặng nề, đầu đội nón sắt. Trong số đó sẽ có người không trở lại. Quang cảnh này trái hẳn với những ngày đại lễ, những người lính trong bộ quân phục thẳng nếp, tay cầm súng đi diễn hành rất đẹp.

     Khi chồng tôi bắt đầu mặc áo giáp, đeo súng ngang hông, lòng tôi tê tái, có một cái gì đó làm cho tôi bất động, chỉ biết nhìn anh và im lặng. Sau cùng anh đội nón sắt và đưa tay vỗ vào má tôi nói: “Thôi anh đi”. Anh không có những cử chỉ âu yếm hơn, những lời từ giã nhiều hơn như những lần anh đi làm việc bình thường hay đi ăn cơm với bạn bè.

     Anh sợ làm tôi khóc. Tôi muốn nói anh cố sớm trở về với em, nhưng càng dặn dò càng đau lòng trong buổi chia tay. Tôi cố gắng không cho nước mắt trào ra. Tôi nhìn anh thật kỹ, để hình ảnh anh in sâu mãi trong lòng tôi. Tôi thầm nghĩ, không biết lần này anh có còn trở về không? Không thể chờ xe anh khuất bóng, tôi chạy vội vào giường khóc nức nở. Cảnh này cứ diễn đi diễn lại trong cuộc đời làm vợ lính của tôi. Có lần tôi nói với anh, khi đi hành quân cho em biết trước để em chuẩn bị tư tưởng cho đỡ sợ. Nhưng có lẽ vì bí mật quân sự hoặc cuộc hành quân gấp rút, anh chẳng bao giờ chiều tôi chuyện đó.

        Mỗi lần nghe có tin đơn vị anh đụng độ lớn tôi chỉ biết vào phòng âm thầm cầu nguyện, lo sợ gặp những sĩ quan đến báo tin buồn. Có lúc anh về thăm tôi thình lình. Mừng rỡ không được kéo dài bao lâu lại nghẹn ngào vì anh ra đi sớm hơn lời hứa. Một buổi chiều anh về và nói chiều mai mới đi. Tôi vui mừng vì trưa mai vợ chồng tôi sẽ có chung bữa cơm với nhau. Nhưng đến tối có tiếng điện thoại, anh nghe xong nói với tôi sáng sớm mai anh phải đi. Thế là mất một đêm hạnh phúc, chỉ có tiếng than thở và tiếng nức nở của tôi.

        Khi tôi có thai được sáu tháng, lúc đó anh đóng quân tại Bến Tre, anh biết gia đình tôi có quen thân với ông bà bác sĩ tại Mỹ Tho. Anh hẹn gặp tôi tại đó để anh đến thăm vì từ Bến Tre chỉ qua một cái phà là đến Mỹ Tho. Anh cho biết sẽ ở chơi từ trưa đến chiều mới đi. Sáng ngày ấy ba tôi chở tôi xuống Mỹ Tho, sẵn ba tôi thăm lại người bạn cũ. Tôi gặp anh ngượng ngùng mắc cỡ với cái áo bầu khoác ngoài. Tuy là vợ chồng nhưng ít khi sống gần gũi nhau nên đối với anh đôi khi tôi vẫn còn e thẹn. Sau khi chúng tôi hàn huyên được nửa giờ, chúng tôi dùng cơm trưa, tuy có mặt ba tôi và hai ông bà bác sĩ nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm. Bữa cơm chưa xong, chồng tôi có máy truyền tin gọi trở về đơn vị, vậy là anh lại đi ngay. Tôi tiếp tục dùng cơm, nhưng món ăn trở nên lạt lẽo, dầu bà bác sĩ nấu rất ngon. Thương con, ba tôi cáo biệt về Sài Gòn sau buổi cơm. Trên xe ông nhìn tôi và vuốt tóc thông cảm.

        Một đêm tôi đang ngủ bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng khóc thảm thiết của bà hàng xóm, tôi vội đến cửa sổ nhìn ra ngoài để xem chuyện gì xẩy ra. Bên ngoài đêm tối yên tĩnh bị đánh tan bởi tiếng khóc của người vợ trẻ vừa được tin chồng tử trận ngoài chiến trường, cùng đi hành quân chung đơn vị với chồng tôi. Chị khóc lóc, kêu gào, gọi tên chồng nhưng chồng chị sẽ mãi mãi không trở về nữa. Tôi trở lại giường nằm nhưng không ngủ được, tôi thương cho người đàn bà góa phụ kia và lo sợ cho bản thân mình.

        Sáng hôm sau người vợ trẻ đầu phủ khăn tang, gương mặt xanh xao cùng với bà mẹ già đi lãnh xác chồng theo sau hai đứa con khoảng ba, bốn tuổi, đầu chít khăn trắng. Chúng nó vô tư không biết gì, thật ra ba chúng đi hành quân luôn, ít khi ở nhà. Bây giờ không có lời an ủi nào làm chị vơi được nỗi buồn, chỉ mong thời gian sẽ hàn gắn vết thương lòng của chị mà thôi. Sau này chị kể, chị nghe tiếng chim cú kêu chiều hôm đó, chị nghĩ có điều xui rồi. Tôi không bao giờ tin dị đoan, tôi không xem bói vì thầy bói nói vui tôi không tin, nói buồn tôi phải bận tâm lo lắng, nhưng bây giờ tôi lại sợ tiếng cú kêu.

        Một chị bạn quen, chồng cũng là bạn thân với chồng tôi, nhà ở trong cư xá đối diện, với ba đứa con nhỏ. Chồng đi hành quân không chắc có ngày về, tinh thần của chị ngày càng suy nhược, cộng thêm những lần thay mặt gia đình đi dự đám tang qúa nhiều bạn bè thân thiết bị tử trận. Tinh thần đã sẵn yếu, ngày càng trở nên suy sụp. Lúc ở Việt Nam, bác sĩ phải cho uống thuốc an thần. Sau này may mắn được di tản qua sống ở Mỹ nhưng rồi cũng không tránh khỏi bệnh nan y Alzheimer, chị hoàn toàn mất trí, thể xác trông cậy vào người chồng thủy chung, ngày xưa là người chỉ huy chiến trận tài ba, bay giờ biến thành người y tá tận tụy và hy sinh nhẫn nại cho người vợ tao khang, quen biết từ thuở còn niên thiếu.

        Ngày tôi sanh cháu bé, chồng tôi được nghỉ phép, anh ở hẳn trong nhà thương với tôi, mặc cho những lời dị nghị của các cô bác theo xưa cho như vậy là không tốt là bị “mắc phong long”. Mấy ngày sau tôi rời nhà thương, anh được lệnh đi hành quân tại Campuchia. Nhìn anh đi tôi khóc mãi vì nghe tin đồn ở Campuchia thường bị “Cáp duồn”. Mẹ tôi khuyên “Con mới sanh khóc như thế không tốt đâu”. Nhưng tôi đâu nào nghĩ đến sức khoẻ của tôi, tôi lo cho anh và không muốn con tôi mất cha. Hàng ngày bận bịu nuôi con, nghĩ đến anh tôi chỉ biết cầu nguyện.

            Đến năm 1973 chồng tôi chuyển sang làm việc hành chánh, mặc dù ở đâu cũng là phục vụ cho nước nhà, nhưng anh không thích lắm. Riêng tôi vui vẻ hơn vì đây là dịp mẹ con tôi được sống với anh hàng ngày. Tại đây anh vẫn phải đi xuống thăm các quận thường xuyên. Đã có các sĩ quan thỉnh thoảng bị chết vì địch phục kích dọc đường, cho nên tôi vẫn tiếp tục lo lắng cho anh. Ngày này qua ngày khác, mỗi buổi chiều tôi nghe chiếc xe lăn bánh trên con đường đá sỏi vào cổng là tôi biết anh đã bình yên trở về. Có những chiều anh về rất muộn, tôi không yên tâm được, vào phòng ngồi bất động âm thầm cầu nguyện. Tình thương đã khiến tôi rất thính tai, tiếng cổng mở cửa từ xa tôi đã nghe được, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, đi ra ôm lấy con và cùng nhau ra đón ba nó.

             Có những đêm pháo kích tôi sợ quá, một tay ôm choàng lấy con, một tay nắm chặt tay anh, nhưng sau khi đợt pháo kích đầu tiên đã chấm dứt, anh phải vội vã từ giã mẹ con tôi để băng qua cửa hông nhà đi xuống hầm trung tâm hành quân, hầu tiện việc chỉ huy yểm trợ các đơn vị đồn trú địa phương. Muốn cho chồng luôn được bình yên và tôi bớt đi nỗi lo âu để yên tâm làm việc nội trợ, một hôm tôi đưa cho anh xâu chuỗi mà vị linh mục đỡ đầu đã cho anh ngày rửa tội. Tôi nói “Anh nhớ luôn bỏ xâu chuỗi này vào túi áo mỗi ngày anh đi làm việc, để có Chúa phù hộ anh và em đỡ lo lắng cho anh.” Tôi biết đàn ông tánh không chu đáo lắm nên tôi nói thêm “Anh thương em hãy nhớ lời em dặn.”

      Ngày tháng cứ thế trôi qua, chiến sự càng ngày càng sôi động, cho đến một ngày mẹ con tôi từ giã anh, trở về ở với ngoại, để anh không phải bận tâm gia đình. Chúng tôi từ giã đời sống gia binh. Lần này tôi cũng nhìn anh rất kỹ và niềm hy vọng gặp lại anh ít hơn.

      Khi cuộc sống của người vợ lính thời chiến chấm dứt thì những ngày nghiệt ngã mới lại bắt đầu. 30/04/75 đã chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của chồng tôi và anh đi tù với mười ba năm cải tạo. Riêng tôi, ngoài trách nhiệm nuôi chồng, nuôi con, nỗi lo âu vẫn còn và sự mong đợi chồng về mỏi mòn hơn.

Sau cùng, nhờ ơn trên, nhà tôi đã trở về. Anh vẫn còn giữ xâu chuỗi ngày xưa đã cùng anh sống trong ngục tù với những chỗ bị đứt đã nối lại và rơi mất một hạt.

Hơn hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo của thời bình, là người con gái ở miền quê Bàu Trai, tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt.

Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân của bao nhiêu người vợ trẻ. Chỉ còn lại Việt Nam, một quê hương điêu linh, một dân tộc bất hạnh triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.

 

Thôn Nữ Bàu Trai

nguồn: Email của TH

 

2. Chân Dung Người Vợ Lính Việt Nam Cộng Hòa

 

Trong cuộc sống, sự thành công hay thất bại nào cũng có cái giá của nó. Trong chiến tranh cũng vậy, cái giá của những chiến tích lừng danh mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) phải trả, là những đồng đội đã hy sinh, những đồng đội khác đã để lại một phần thân thể trên khắp miền đất nước, và hệ lụy dài lâu là những đứa trẻ vĩnh viễn xa cha, những người vợ vĩnh viễn xa chồng! Người quân nhân hy sinh vì tổ quốc, là sự hy sinh cao cả mà tổ quốc mãi mãi ghi công. Nhưng, hình ảnh người quả phụ, với một nửa tâm hồn, một nửa con tim, một nửa phần hơi thở, theo chồng lên đài tổ quốc ghi công, và những nửa còn lại có trách nhiệm trang bị cho các con một hành trang vào đời, phải được thừa nhận là sự hy sinh không kém phần cao cả như người chồng dũng cảm nơi chiến trường, rất xứng đáng được kính trọng.

Cũng trong chiến tranh, chồng ở chiến trường, vợ ở nhà quán xuyến công việc gia đình mà công việc gia đình nhiều đến nỗi có những việc chưa kịp đặt tên, nhưng tất cả đều là việc. Chăm sóc các con, chăm sóc tình thân gia đình quyến thuộc, chăm sóc tình bạn bè bằng hữu. Để rồi, những giờ phút yên tỉnh về đêm khi các con chìm trong giấc ngủ, mơ màng nghĩ đến chồng nơi chốn xa xôi, hay đang trong chiến trường khốc liệt, với bao khắc khoải lo âu, sầu muộn!

Rồi chiến tranh chấm dứt trong nỗi nghẹn ngào uất hận, bởi đây là cuộc chiến mà cuối cùng “bị chấm dứt để thua trận”! Sau lời tuyên bố của vị Tổng Thống cuối cùng, hàng trăm ngàn đồng bào, quân nhân, viên chức, cán bộ, bỏ của chạy lấy người, tỵ nạn trên đất Mỹ. Với những thành phần tương tự như vậy gồm 222.809 người, lũ lượt bị lừa vào 200 trại tù trên khắp miền đất nước. Người 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 17 năm ròng rã, do lòng thù hận tột cùng của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Hằng trăm ngàn gia đình di tản ra ngoại quốc, cũng như hằng chục triệu gia đình còn lại trên quê hương, tất cả đều hụt hẫng. Hụt hẫng vì cuộc sống trên đất người với biết bao xa lạ trong một xã hội kỹ nghệ mà bước đầu chưa thể hội nhập. Hụt hẫng vì phút chốc, từ chế độ tự do bị đẩy vào chế độ độc tài trên toàn cõi nước Việt Nam!

Cảnh đời thứ nhất. Trong cuộc đời tỵ nạn, vợ chồng con cháu có cơ hội bên nhau, cùng chia xẻ khổ đau, cùng gánh vác nhọc nhằn, cùng nhận chung nỗi nhục! Nỗi nhục phải rời khỏi quê hương trong thân phận lưu vong! Với những bà vợ chúng ta, vốn sinh ra và trưởng thành trong xã hội nông nghiệp, nay phải cùng chồng từng bước hội nhập vào xã hội kỹ nghệ nơi định cư, đã phải đêm đêm đếm bước từ bến xe công cộng về nhà trong màn tuyết lạnh sau những giờ nhọc nhằn nơi hãng xưởng. Lạnh đến nỗi không biết giọt nước lăn trên má là nước mắt, hay mảnh tuyết vừa tan!

Cảnh đời thứ hai. Trong xã hội mà kẻ thắng trận đầy lòng thù hận, thì gia đình ly tán, sự sống bị bóp nghẹt  đến tận cùng của khổ đau, của nước mắt bởi chính sách bịt mắt bịt tai bịt miệng! Cái chế độ mà những người lãnh đạo luôn miệng huênh hoang là “dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư bản”, lại bắt mọi người phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên với những đôi mắt rình rập quanh năm suốt tháng!

Cảnh đời thứ ba. Riêng với những bà vợ ở lại mà chồng đã vào tù, còn tệ hơn nhiều so với hai cảnh đời nói trên. Hằng ngày phải đối phó với bọn cầm quyền địa phương, cái bọn mà đầu óc toàn đất sét và rác rưởi, chỉ biết đàn áp để cướp đoạt. Đồng thời phải chăm lo cuộc sống các con từng ngày, lo nuôi chồng từng tháng!

Và những bà vợ chúng ta, hải ngoại hay trong nước, thật sự là Những Người Đàn Bà Việt Nam rất can đảm khi phải chịu đựng và vượt qua nỗi đau nỗi nhục đó! Đau đến nỗi không còn nước mắt để khóc, nhục đến nỗi chẳng còn lời để than! Nếu đem so sánh giữa hai cảnh đời trong nước với ngoài nước, thử hỏi: “Ai đau hơn ai và ai nhục hơn ai?” Với tôi, không ai đau hơn ai, cũng không ai nhục hơn ai! Vì nỗi đau nào cũng có cái đau riêng của nó, nỗi nhục nào cũng có cái nhục riêng của nó! Xin những ông chồng diểm phúc, hãy nhìn lại đôi nét về hình ảnh Những Bà Vợ Chúng Ta trong cuộc sống khổ đau thầm lặng đó, mà người viết được những bà vợ  trong cuộc kể lại:

Một cảnh đau thương. Một bà vợ cùng con cầm giấy phép “gánh gạo” nuôi chồng trên đất Bắc. Ba ngày đi, ba ngày về, 2 tiếng đồng hồ gặp gở! Khi trở về cư xá Bắc Hải, nhà bị niêm phong với dòng chữ “nhà vắng chủ”. Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường nào! Bỗng dưng nhà bị mất! Bà gục đầu vào cửa! Bà cùng gia đình định cư tại Houston, Texas từ tháng 4 năm 1991.

Một cảnh đau thương khác. Một bà vợ đã bao nhiêu lần bị công an Phường ra lệnh đi khu kinh tế mới, nhưng bà vẫn không đi. Chúng hành hạ bằng cách gọi bà đến văn phòng, bảo ngồi đó từ đầu giờ đến cuối giờ, ngày nào cũng vậy, và ròng rã 6 tháng như vậy. Một hôm, chúng bảo đưa giấy tờ nhà để giải quyết. Khi chụp được hồ sơ, lập tức tên công an ra lệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ bà phải ra khỏi nhà. “Ôi! Còn nỗi đau nào cao hơn nỗi đau này trong cảnh đời thua trận!” Bà xiêu vẹo trên đường về nhà cách đó mấy dãy nhà liên kế cũng trong cư xá Bắc Hải, và gục ngã ngay trước nhà! Bà cùng gia đình định cư vùng bắc California từ năm 1993, nhưng chồng đã qua đời vào năm 2003.

Một cảnh đau thương khác nữa. Một bà vợ có chồng bị giam trên đất Bắc hằng chục năm trời, bỗng dưng mất liên lạc. Bà lặn lội khắp các cơ quan tại Sài Gòn, Hà Nội, tốn kém, mệt nhọc, nhưng hoàn toàn bặt tin. Nỗi buồn đến với bà quá sức chịu đựng của người phụ nữ tuổi 50, mà có lúc bà cảm thấy như mình đang bên bờ vực thẳm, rồi ngã dần xuống…… Bà bị tai biến mạch máu não, nằm bất động một chỗ.

Nhiều tháng sau đó, bất ngờ, người nhà của bà nhận được giấy cho phép bà thăm chồng. Trại tù chỉ cách nhà vỏn vẹn 1 cây số (khám Chí Hòa). Bạn bè khiêng bà đến nhà tù. Cả hai “chồng đứng đó vợ liệt toàn thân”, chỉ biết nhìn nhau, òa khóc…! Khóc cho mình! Khóc cho cuộc đời! Phải chăng, mọi khổ đau trên cõi đời này đang bao quanh hai con người đau khổ đó? Không. Không chỉ có vậy. Mà là tất cả những bà vợ có chồng bị cộng sản giam giữ trong tù, tiêu biểu qua 3 cảnh đời trên đây trong hàng vạn cảnh đời trên đất nước Việt Nam, đều trong nỗi khổ tột cùng đó! Tình trạng bại liệt đó theo Bà cùng chồng định cư tại Houston, nhưng rồi Bà đã từ trần năm 2004!

Sài Gòn-Hà Nội 1.736 cây số, xe lửa tốc hành chạy 72 tiếng đồng hồ, tức 3 ngày 3 đêm. Mỗi người chỉ được mang theo 20 kí lô lên xe lửa, mang nhiều hơn số đó phải hối lộ cho một loạt nhân viên từ cổng vào cho đến nhân viên trên xe lửa. Hành lý ngổn ngang cả trên lối đi giữa toa xe. Ban ngày cũng phải lách từng bước chân vào chỗ trống. Còn ban đêm, thật khó mà tưởng tượng! Hai băng ngồi đối diện, một băng 3 người. Hai băng phía bên kia lối đi, mỗi băng 2 người ngồi. Hai đầu trên của hai băng 6 người, máng được 3 cái võng cho 3 người, 1 người nằm co quắp trên sàn xe đen đúa nhầy nhụa giữa 2 băng đối diện, và 2 người còn lại cũng nằm co quắp trên 2 băng ngồi. Nếu nhìn toàn cảnh của toa xe sẽ thấy, băng ngồi đầy người nằm, những chiếc võng bé xíu che kín trên đầu băng, cả lối đi vốn dĩ đã nhỏ hẹp cũng đầy người nằm chen lẫn trong đống hành lý thật hổn độn. Những bà vợ thăm chồng, mang theo hằng trăm kí lô, biết bao là nhọc nhằn gian khổ! Giả thử, nếu những ông chồng chứng kiến những hành khách nằm cong queo trong cái gọi là chiếc võng kia, hay co quắp giữa những gói quà đầy ấp tình thương trên sàn xe nhớp nhúa đó, là những bà vợ của mình, liệu có cầm được nước mắt không? Nghe nói lại, nghe thuật lại, ông chồng nào cũng

đớn đau thương cảm cho tình cảnh những bà vợ quanh năm gánh gạo nuôi chồng! Nhưng không có đớn đau thương cảm nào có thể đem cân bằng nỗi đớn đau thương cảm của những bà vợ trọn tình vẹn nghĩa như vậy được cả!

Tôi hình dung những bà vợ chúng ta qua hình ảnh trên đây mà chính tôi trông thấy khi tôi ra trại tập trung cùng với 90 “bạn đồng tù”, từ Nam Định về Sài Gòn bằng xe lửa đúng 72 tiếng đồng hồ hồi tháng 9 năm 1987.

Trên đây là một cố gắng dựng lại hình ảnh “Những Bà Vợ Chúng Ta”, nếu không hoàn chỉnh thì ít ra cũng là những nét chính của hình ảnh ấy, qua sự kết nối bốn hợp phần sau đây:

Hai hợp phần trong chiến tranh, là những bà vợ mà chồng đã hy sinh, và những bà vợ mà chồng đang chiến đấu.

Hai hợp phần sau chiến tranh, là những bà vợ cùng chồng con di tản ngoại quốc, và những bà vợ ở lại Việt Nam, vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã!

Những cảnh đời bi thương, những khổ đau sầu muộn, những nước mắt, mồ hôi, được khơi lên từ những góc cạnh li ti trong hằng vạn hằng vạn cảnh đời như vậy, mà Những Bà Vợ Chúng Ta đã chịu đựng trong những năm dài thật dài!

Quyển Chân Trời Dâu Bể của Giao Chỉ, kể chuyện trên đất Mỹ, và quyển Giữa Dòng Nghịch Lũ của Duy Năng, kể chuyện trên quê hương Việt Nam. Hai tác phẩm này trong một mức độ nào đó, có thể xem là tiêu biểu cho rất nhiều tác phẩm dưới dạng chuyện kể thật bình thường, nhưng ôm ấp biết bao xót xa thương cảm cho thân phận người phụ nữ Việt Nam sau ngày thua trận, dù sống trong hai xã hội cách nhau nửa vòng trái đất. Với tác phẩm của Duy Năng, người kể chuyện là bà Hàng Phụng Hà. Bà là một trong số hằng trăm ngàn bà vợ thăm nuôi chồng trong tù. Ở phần kết, bà nói:

“… Các anh trong tù, khổ về vật chất và đau về tinh thần đến vạn lần, điều đó chúng tôi biết. Nhưng, chúng tôi -những bà vợ của các anh- đau khổ gấp ngàn cái vạn lần của các anh nữa, các anh có biết không? Tôi không đề cao một bà vợ nào, mà tôi đề cao tất cả những bà vợ thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo. Bởi vì: Họ, đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam. Họ, rất xứng đáng được các anh kính trọng. Và Họ, chính là Vợ của các Anh”.

Vì vậy mà một số bạn đồng tù chúng tôi trong trại tập trung, đã không quá lời khi nói với nhau rằng: “Ra tù, chúng ta phải cõng vợ chúng ta đi vòng quanh trái đất, để đền bù đôi chút về sức chịu đựng biết bao nhọc nhằn gian khổ đã nuôi các con và nuôi chúng mình.

Bây giờ nhìn lại, trong một ý nghĩa nào đó, những cựu tù nhân chính trị  chúng ta, đã cõng vợ đi được nửa vòng trái đất rồi. Đến ngày Việt Nam thật sự tự do dân chủ, chúng ta sẽ cõng vợ trở về quê hương là trọn vòng trái đất như đã tự hứa, phải không quý vị?

Với nét chân dung đó, tôi quả quyết rằng, Những Bà Vợ Chúng Ta rất xứng đáng được vinh danh. Và nếu quý đồng đội và quý vị đồng hương đồng ý với tôi, chúng ta cùng nói to lên rằng:

“Chúng ta cùng vinh danh Những Bà Vợ Chúng Ta là những người đàn bà cao cả, rất xứng đáng được kính trọng. Bởi, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chế độ độc tài cộng sản, nhưng đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam, cùng lúc, chu toàn thiên chức làm Mẹ, và tròn bổn phận làm Con”.

Vinh danh bằng những tiếng nói ân tình bên tai vợ, trao tặng vợ một bông hồng thật đẹp, hôn vợ những nụ hôn thật dài. Điều đó luôn nhắc nhở người chồng trong cuộc sống thường ngày, phải thể hiện lòng hiểu biết vợ mình nhiều hơn, cảm thông vợ mình nhiều hơn, rồi quàng tay vào lưng vợ mình chặt hơn, để cùng nhau đi suốt chiều dài còn lại trong cuộc sống lứa đôi thật mặn nồng, như chưa bao giờ mặn nồng đến như vậy. Trường hợp vì lý do gì đó mà bạn đang sống một mình, xin bạn hãy gắn bông hồng màu đỏ lên nơi nào mà khi nằm nghỉ bạn đều trông thấy, để trao tặng vợ khi đoàn tụ bên nhau. Hoặc sự trông thấy đó, sẽ giúp bạn có được những giây phút sống lại những năm tháng mặn nồng trong tình yêu vợ chồng thuở chung chăn chung gối, thuở mà hai người dùng chung một tên./.

 

Houston, mùa Quốc Hận thứ 36!
Phạm Bá Hoa

 

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List